Chương 1 - Giữa Hai Thế Giới Tình Yêu

Sau khi Hầu gia bị luận tội, bị phán xử trảm giam hậu, vì muốn lưu lại cho chàng một giọt máu, ta đêm đêm ra vào thiên lao, cùng chàng ân ái.

Thế nhưng, sau khi chàng được minh oan thoát ngục, lại đích thân dâng cho ta một bát canh phá thai:

“Ngươi xuất thân hèn kém, không xứng sinh trưởng tử của Hầu phủ.”

Ta lặng lẽ uống hết bát canh ấy, rồi nhân một lần sơ hở, lén trốn khỏi Hầu phủ, chạy một mạch về Giang Nam.

Mười năm sau, Hầu gia phụng chỉ tuần du phương Nam, vô tình gặp lại ta giữa chốn náo nhiệt phồn hoa.

Nhìn bé trai trong tay ta, mắt chàng hoe đỏ, giọng run run hỏi:

“Đây… là hài tử của ta sao?”

Một vị tri phủ trẻ tuổi khôi ngô vừa vặn bước ngang, thản nhiên ôm lấy đứa bé, lại một tay kéo ta vào lòng, cười nhạt nói:

“Hầu gia e là nhớ con đến phát cuồng rồi, mới có thể tùy tiện nhận nhầm thê tử nhi tử của người khác như vậy.”

1

Trước khi bước chân vào Hầu phủ, ta tên là Thẩm Chu.

Sinh ra bên bờ biển Giang Nam, cha ta là ngư ông, mẹ là nữ thợ lặn.

Khi mẹ mang thai ta, cha ra khơi gặp bão, bỏ mạng nơi đầu sóng ngọn gió.

Ta vừa chào đời, vừa nhìn thấy là nữ nhi, thúc phụ liền mắng ầm lên rằng nhà ta tuyệt hậu, sau đó thẳng tay đuổi mẹ con ta ra khỏi nhà, chiếm luôn căn lều tranh rách nát tổ tiên để lại.

Mẹ đành phải quay lại nghề cũ, làm nữ thợ lặn,lặn bắt ngọc trai, nhím biển, bào ngư nuôi thân.

Chúng ta lấy thuyền của nhà chủ làm nhà, ta cũng lớn lên trên thuyền.

Từ nhỏ đến mười hai tuổi, chưa từng đặt chân lên bờ, chưa từng xỏ một đôi giày.

Mãi đến khi triều đình ban xuống “Hải cấm lệnh”, nói là để phòng ngừa giặc Oa, không cho dân thường xuống biển nữa.

Thế là, mẹ con ta bị đuổi khỏi thuyền, vào thành tìm đường mưu sinh.

Nhưng chưa kịp tìm được kế mưu sinh, ta đã ngã bệnh.

Để chạy chữa cho ta, mẹ phải vay tiền nặng lãi.

Không có khả năng hoàn trả, cuối cùng bị ép bước lên kỹ thuyền, bán tiếng cười hầu khách để trả nợ.

Người lên kỹ thuyền phần lớn là phường buôn thô lỗ, thô tục, nơi giường chiếu thì càng tàn nhẫn không kể xiết, như thể chỉ có như thế mới khiến bọn họ thấy mình “đáng đồng tiền”.

Có kẻ thậm chí mang theo cả bệnh tật ghê tởm trên người.

Chưa đầy nửa năm, mẹ ta đã bị giày vò đến mức mất mạng.

Ngay trong ngày mẹ trút hơi thở cuối cùng, ta gặp được Hầu gia.

Năm ấy chàng mười bảy tuổi, phụng mệnh hoàng đế tuần tra Giang Nam.

Đêm đó, tri phủ đại nhân mở yến tiệc trên họa phường, mời chàng thưởng thức phong nguyệt Tần Hoài.

Khi họa phường của chàng đi ngang qua kỹ thuyền, bọn quản thuyền đang định khiêng thi thể của mẹ ta xuống tàu.

Ta lao đến đầu thuyền, ôm lấy thi thể của mẹ mà khóc nức nở. Hai tên quản sự đuổi theo, một tên kéo tay chân ta, một tên giật tóc, muốn lôi ta trở vào.

Trong khoang thuyền, vị khách đã bỏ tiền mua đêm đầu tiên của ta đang mất kiên nhẫn chờ đợi.

Một thỏi bạc quan bay thẳng lên boong kỹ thuyền, lạnh lùng rơi xuống: “Tiểu nha đầu này, ta mua.”

Ta ngẩng đầu lên, dưới ánh trăng vằng vặc, nơi đầu thuyền họa phường, là một thiếu niên dung mạo như ngọc, phong thái xuất trần.

Chàng mang ta về kinh thành, đưa vào phủ, tặng cho Lão phu nhân, làm nha hoàn hầu hạ.

Ngày ta bước chân vào Hầu phủ, lúc gặp Lão phu nhân, bà đang đứng bên hồ sen, rải thức ăn cho đàn cá chép ngũ sắc.

Bà chẳng buồn liếc mắt nhìn ta lấy một lần, chỉ thản nhiên nói:

“Hôm nay sen nở đẹp, vậy gọi ngươi là Diệu Liên đi.”

Cứ thế, từ một đóa sen trôi dạt giữa biển khơi Giang Nam, ta hóa thành đóa sen cắm giữa ao hồ Hầu phủ.

2.

Ta ở trong Hầu phủ năm năm, chưa từng có mấy quan hệ với Hầu gia.

Chỉ khi mỗi sáng chàng đến vấn an Lão phu nhân, ta mới có thể trông thấy người một lần.

Người trong phủ đông đúc, dù có gặp mặt thì cũng chẳng có cơ hội nói gì với nhau.

Ánh mắt chàng nhìn ta chẳng mang chút quen thuộc nào, như thể đã sớm quên mất chuyện từng cứu ta năm xưa.

Hầu gia xuất thân tôn quý, dung mạo như ngọc, phong tư lỗi lạc, bọn nha hoàn trong phủ thường hay nhắc đến chàng khi rảnh rỗi.

Ai nấy đều mộng tưởng, mong có một ngày được Hầu gia thu làm thiếp.

Chỉ trừ ta.

Ta hiểu rõ phận mình.

Trong phòng Hầu gia có đến bốn đại nha hoàn, ai nấy đều xinh đẹp lanh lợi.

Còn ta thì sao?

Dung mạo tầm thường đã đành, lại còn mang một đôi chân xấu xí.

Từ nhỏ sống lênh đênh trên thuyền, chân trần chạy tới chạy lui giữa sóng gió, nhiều phen phải bám chặt boong tàu trong phong ba, nên ngón chân ta vừa dài vừa cong hơn người thường.

Các nha hoàn cùng phòng thường lấy đó làm trò cười, nói chân ta chẳng khác gì móng vuốt khỉ.

Cho dù Hầu gia có muốn nạp đến mười tám phòng thiếp thất, e rằng cũng chẳng tới lượt ta.

Thế nhưng, bỗng một ngày, Hầu phủ gặp họa, Hầu gia bị vu cáo, bị giam vào ngục, chịu phán trảm giam hậu.

Chỉ sau một đêm, cây đổ khỉ tan, kẻ hầu người hạ trong phủ bỏ trốn sạch sẽ.

Bao gồm cả đám nha hoàn từng mơ mộng được làm thiếp.

Người ở lại, ngoài bà vú già họ Từ theo hồi môn của Lão phu nhân, chỉ còn lại một mình ta.

Lão phu nhân nước mắt đầm đìa, nắm chặt tay ta, nghẹn ngào khen:

“Lúc hoạn nạn mới biết ai trung ai gian, con là đứa trẻ tốt.”

Khác hẳn với dáng vẻ cao ngạo, lạnh nhạt ngày ta vừa vào phủ.

Hầu phủ bị dán phong ấn, toàn bộ tài sản đều bị tịch thu.

Ta lấy ra số tiền tích cóp suốt năm năm qua thuê một căn nhà nhỏ nơi ngoại thành.

Trong nhà chỉ có một chiếc giường, ta nhường cho Lão phu nhân nằm, còn bản thân thì cuộn mình ngủ tạm trên chiếc ghế dài.

Ta không có toan tính gì khác.

Chỉ nghĩ rằng, năm xưa mẹ ta được chôn cất là nhờ số bạc Hầu gia ban cho.

Nay chàng gặp nạn, ta chẳng giúp được gì lớn lao, chỉ muốn tận lực phụng dưỡng mẫu thân chàng, đưa tiễn bà đến cuối đời.

Có ân thì báo ân, đó mới là đạo làm người.

3.

Một ngày nọ, Lão phu nhân đột nhiên ấp úng nói với ta:

“Diệu Liên à… Hầu gia mới ngoài hai mươi, còn chưa cưới vợ nạp thiếp. Nếu cứ thế mà chết đi, Hầu phủ cũng đoạn mất hương hỏa…”

Ý tứ trong lời, là muốn ta giúp Hầu gia lưu lại huyết mạch.

Sợ ta giận, bà lại vội vàng tiếp lời:

“Ta biết yêu cầu này đường đột… nhưng mà…”

Ta ngắt lời bà:

“Cũng không phải không thể.”

Ta vốn là người quê mùa nơi sơn dã, từ nhỏ đã thấy đủ chuyện bỏ trốn theo trai, bán vợ thế thân, nên đối với cái gọi là “trinh tiết”, ta không đặt nặng.

Chỉ là, nửa năm sống trong thành, nghe nhiều gánh hát kể chuyện ân nghĩa giang hồ, ta mới hiểu thế nào là báo ân, là hiệp nghĩa.

Lão phu nhân rơi nước mắt cảm động, tháo chiếc vòng ngọc trên cổ tay xuống:

“Chiếc vòng này ít cũng đáng nghìn lượng, con mang đi cầm lấy, dùng bạc mà lo lót bọn ngục tốt.”

Nhờ bạc thông cửa sau, ta cuối cùng cũng được vào thiên lao.

Qua chấn song sắt, ta nhìn thấy Hầu gia. Mũi cay xè, suýt chút nữa ta đã bật khóc.

Tóc tai rối bù, mặt mũi dơ bẩn, người đầy vết máu nào còn bóng dáng thiếu niên như ngọc từng đứng nơi đầu họa phường, cứu ta trong đêm trăng năm ấy?

Ta nói rõ ý đến, tự mình cởi bỏ xiêm y. Nhưng chàng lại ngập ngừng:

“Nếu thật sự bị chém đầu, lưu lại cho nàng một đứa con, chẳng phải là gánh nặng sao? Nàng chỉ là nữ tử yếu đuối, làm sao sống nổi?”