Chương 4 - Giọt Nước Mắt Trong Ngục Tối
Tôi không phản bác, tất cả đều nhận.
Thẩm phán hỏi tôi:
“Tống Ngôn, về việc giết chết Tống Chí Cường rồi phân xác phi tang, bị cáo có nhận tội không?”
“Tôi nhận tội.”
“Còn gì muốn nói không?”
“Không.”
“Được.”
Cánh cửa bên phải đột ngột mở ra, Thành Quyến dắt theo một người phụ nữ bước vào.
Bụng cô hơi nhô lên, gương mặt lại vô cùng quen thuộc.
Là Giang Mạn Nghệ – người bạn duy nhất thân thiết với tôi thời đi học.
Tôi nhìn thấy Thành Quyến vòng tay ôm eo cô ấy, cẩn thận đỡ cô ngồi xuống.
Vị hôn thê của Thành Quyến lại chính là cô ấy sao?
Thẩm phán bắt đầu tuyên án:
“Bị cáo Tống Ngôn phạm tội ngộ sát và tội xúc phạm thi thể, tính chất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề. Nhưng khi gây án bị cáo chưa đủ 18 tuổi, căn cứ Bộ luật hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tuyên phạt tù giam 10 năm.”
Đây hoàn toàn là kết quả ngoài dự đoán.
Tôi ôm tâm trạng sẵn sàng chết, nghe thấy phán quyết này mà không biết nên nói gì.
Luật sư của tôi mỉm cười nhẹ với tôi, chắc cô ấy thật lòng mừng thay cho tôi.
Phiên tòa kết thúc, tôi bị áp giải về trại tạm giam.
Bà Lý vội vã chạy đến:
“Ngôn Ngôn, còn Tiểu Ngoan thì sao? Bệnh của con bé thế nào rồi?”
Tôi mỉm cười:
“Bà ơi, Tiểu Ngoan đi rồi.”
Chính vì con bé đã ra đi, nên tôi mới không còn lý do để tiếp tục trốn tránh.
Tôi thật sự, chỉ muốn đi tìm con bé.
Trong trại tạm giam, Thành Quyến dẫn Giang Mạn Nghệ đến gặp tôi, Mạn Nghệ khóc đến đỏ cả mũi.
“Ngôn Ngôn, cậu có sao không… cậu chịu khổ rồi, hu hu…”
Ngày còn đi học, Mạn Nghệ chính là một cô bé tròn trịa, mỗi lần bị bắt nạt chỉ biết trốn sau lưng tôi khóc lóc.
Bao năm rồi, vẫn chẳng thay đổi chút nào.
Tôi mỉm cười với cô ấy:
“Không sao đâu Mạn Nghệ, tớ ổn.”
Mạn Nghệ khóc càng dữ hơn:
“Cậu đừng cười nữa, cậu cười như sắp khóc ấy…”
Ngăn cách bằng tấm kính, tôi cũng chẳng thể lau nước mắt cho cô ấy.
Còn Thành Quyến, đứng bên cạnh cũng chẳng biết dỗ dành đôi câu.
Tôi chỉ có thể trấn an Mạn Nghệ:
“Không sao, chỉ mười năm thôi, nhanh lắm sẽ qua Cậu phải giữ gìn sức khỏe cho em bé đấy.”
Nói chuyện với Mạn Nghệ được vài câu, hết giờ thăm.
Sắp phải rời đi.
Người im lặng từ đầu đến giờ – Thành Quyến – bỗng ngẩng lên nhìn tôi.
“Tiểu Ngoan là ai?”
7
Thành Quyến nhìn chằm chằm vào mắt tôi.
Như muốn khoét một cái hố trong lòng tôi.
Tôi thản nhiên, khẽ cười với anh:
“Là một con chó nhỏ tôi nuôi, trong lúc trốn chạy nó luôn ở bên cạnh tôi.”
“Nó bị bệnh, bệnh rất nặng, mới mất không lâu. Tôi đã chôn nó rồi.”
Tôi chôn nó trên một gò đất cao, gió lồng lộng.
Có thể nhìn thấy nắng rực rỡ, và cả bóng cây từng mảng lớn.
Bên cạnh nó, là bà ngoại hiền lành nhân hậu của nó, đang yên giấc.
Tôi đã đốt giấy tiền rồi, bà sẽ chăm sóc nó thật tốt.
Mắt Thành Quyến đỏ hẳn lên, mím môi nhìn tôi:
“Tống Ngôn, trong miệng em có câu nào là thật không?”
Tôi mệt mỏi đến cùng cực, cúi gằm đầu, không muốn nói thêm.
Không hiểu vì lý do gì, chẳng bao lâu sau, anh lại điều về trại giam tôi đang ở.
Suốt mười năm, ngăn cách bởi những song sắt cao và dày, tôi ở bên này thụ án, anh ở bên kia tuần tra, lo công việc hậu cần.
Chúng tôi gần như chưa từng nói với nhau một câu.
Anh cũng không cố ý tìm gặp tôi.
Ban đầu, tôi còn nghe được qua lời mấy quản giáo bàn tán rằng, một người giỏi giang như anh lại từ bỏ công việc trước kia để điều về đây, thật kỳ lạ.
Sau này, ngay cả những câu chuyện đó cũng dần ít đi.
Mọi người dường như cũng quen với nhịp sống như vậy.
Suy nghĩ của tôi lúc nào cũng rối loạn, để bản thân đỡ đau khổ, nhờ sự giúp đỡ của quản giáo, tôi bắt đầu đọc sách lại, học nghề.
Nhà giam để khuyến khích mọi người thay đổi, tự lực cánh sinh, mở rất nhiều lớp dạy nghề thủ công.
Tôi học làm hoa nhung và móc len búp bê, được thầy cô khen ngợi.
Vì cải tạo tốt, bản án mười năm rút xuống còn bảy năm.
Ngày ra tù, Thành Quyến đứng chờ ở cổng.
Anh nói muốn đón tôi về nhà.
Mười hai năm, chúng tôi đã quen nhau được mười hai năm, gặp lại, tôi chỉ thấy trong lòng nhẹ bẫng như mọi thứ đều đã trôi qua.
Anh đã chín chắn hơn nhiều, mặc đồ thường, da sạm nắng, không còn chút dáng vẻ thiếu niên năm nào.
Thấy tôi, anh tiến lại muốn cầm giúp túi.
Tôi lắc đầu, khẽ sờ vào vết sẹo trên cổ tay, lùi lại một bước.
“Cảnh sát Thành, như vậy không phù hợp.”
“Tôi tự gọi xe về là được.”
Thành Quyến giật lấy túi trên tay tôi.
Giọng nói trầm thấp như lạnh đi:
“Lên xe, hoặc để anh bế em lên. Tự chọn đi.”