Chương 9 - Giả Mang Thai Để Trốn Gả
9
Còn tôi, một “bà bầu” nằm viện, vậy mà lại dùng cái điện đài phế liệu vô tình chặn được sóng liên lạc bí mật của hắn.
Chuyện này đúng là còn ly kỳ hơn cả mấy câu chuyện trong tiểu thuyết.
Cố Hoài Viễn lập tức hành động, anh ta phong tỏa phòng bệnh của tôi, gọi luôn đội chuyên gia kỹ thuật của quân khu tới.
Một đám người mặc áo blouse trắng và quân phục vây quanh cái máy điện đài cũ nát kia như vừa phát hiện ra kho báu.
Còn tôi, “công thần” bất đắc dĩ, thì được mời sang phòng bên nghỉ ngơi.
Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng.
Tôi chỉ định sửa cái radio cho đỡ chán thôi mà, sao lại đâm thẳng vào ổ ong bắp cày thế này?
Hai ngày tiếp theo, Cố Hoài Viễn bận tối tăm mặt mũi, tôi chỉ kịp thấy anh ta lướt qua vào giờ ăn.
Dưới mắt anh ta thâm quầng một vòng nhưng ánh mắt thì sáng rực như lửa.
“Thế nào rồi?” Tôi nhịn không được hỏi.
“Có manh mối rồi.” Anh ta nói ngắn gọn.
“Đối phương rất ranh ma, tín hiệu nhảy tần liên tục, nhưng chúng tôi đã cơ bản khoanh được phạm vi.”
Anh ta nhìn tôi, ánh mắt phức tạp.
“Tô Chi, cảm ơn em.”
Lần đầu tiên, anh ta nghiêm túc nói với tôi câu cảm ơn như vậy.
Tim tôi tự nhiên nóng lên, tôi lí nhí:
“Em cũng đâu làm gì to tát…”
“Không.”
Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi, rất kiên định.
“Em làm chuyện rất quan trọng. Đợi nhiệm vụ này xong, tôi sẽ đích thân đề xuất khen thưởng cho em.”
Ba ngày sau, tin vui truyền đến.
“Ngư Phu” bị bắt.
Ngay tại một mỏ đá bỏ hoang gần khu vực quân khu.
Cùng bị bắt còn có mấy người hắn lôi kéo, trong đó có một người làm ở hậu cần đoàn bộ.
Tin vừa ra, cả quân khu chấn động.
Còn tên tôi,Tô Chi, lần đầu tiên vang lên ở đại viện với một hình ảnh chính diện, vinh dự.
Không còn ai xì xào bảo tôi là “con hồ ly bị đoàn trưởng Cố làm to bụng” nữa, mà gọi tôi là “nữ anh hùng giúp bộ đội bắt gián điệp.”
Đến cả Lâm Vãn Vãn mà đi ngang hành lang gặp tôi cũng phải tránh sang một bên, không dám nhìn tôi với ánh mắt khiêu khích nữa.
Kỳ “nằm viện vỗ béo” của tôi cũng vì chuyện này mà kết thúc sớm.
Nhờ công chăm sóc tỉ mỉ của mẹ Cố Hoài Viễn, sức khỏe tôi đã đủ tiêu chuẩn để mổ.
Tối trước ngày phẫu thuật, Cố Hoài Viễn đến thăm.
Khác với mọi khi chỉ im lặng hoặc đọc sách, lần này anh ta ngồi gọt táo cho tôi, cắt từng miếng nhỏ đều tăm tắp, cắm tăm xinh xinh đưa cho tôi.
Anh ta gọt rất khéo, từng miếng táo trông như tác phẩm nghệ thuật.
“Có sợ không?” Anh ta hỏi.
Tôi lắc đầu, rồi lại gật đầu.
Nói không sợ thì dối lòng, dù gì cũng là lên bàn mổ, bụng bị rạch ra.
“Đừng sợ.”
Anh ta lặp lại hai chữ đó, giọng dịu dàng chưa từng thấy.
“Tôi sẽ đợi ngoài phòng mổ. Em tỉnh lại, người đầu tiên thấy chắc chắn sẽ là tôi.”
Tôi nhìn anh ta.
Ánh đèn đường hắt qua cửa sổ, phủ lên gương mặt góc cạnh của anh ta một lớp sáng dịu nhẹ.
Ngay cả vết sẹo dữ tợn trên thái dương, lúc này cũng không còn thấy đáng sợ nữa.
Tim tôi bất giác lỡ một nhịp.
“Cố Hoài Viễn,” tôi lấy hết can đảm, khẽ hỏi, “sau… sau khi em khỏi bệnh rồi, có phải em phải về không?”
Tay anh ta đang cắt táo khựng lại.
Anh ta ngẩng lên, ánh mắt nóng như lửa, nhìn tôi chằm chằm.
“Em muốn về sao?” Anh ta hỏi ngược lại.
Tôi không trả lời, chỉ nhìn anh ta.
“Tô Chi,” anh ta đặt dao và táo xuống, người hơi nghiêng về phía tôi, giọng trầm ấm mà rõ ràng từng chữ.
“Em có muốn… ở lại không?”
Không phải với tư cách “bệnh nhân,” cũng không phải là “công thần.”
Mà là… người của anh ta, của Cố Hoài Viễn.
Anh ta không nói hết câu, nhưng tôi hiểu.
Mặt tôi nóng bừng, đỏ lên tận mang tai.
Ca mổ của tôi diễn ra rất thuận lợi.
Đúng như lời hứa của Cố Hoài Viễn, lúc tôi mở mắt ra khỏi thuốc mê, người đầu tiên tôi thấy, chính là anh.
Anh ngồi bên giường tôi suốt, cằm đã lấm tấm râu xanh mắt đầy tia máu trông vừa tiều tụy vừa mệt mỏi, nhưng ánh mắt lại sáng đến kinh ngạc.
Thấy tôi tỉnh, anh rõ ràng thở phào nhẹ nhõm, khóe môi căng cứng cuối cùng cũng hơi cong lên.
“Tỉnh rồi?” Giọng anh khàn khàn.
“Bác sĩ nói ca mổ rất thuận lợi, thứ đó đã bị lấy ra hết rồi.”
Tôi theo phản xạ đưa tay sờ bụng, bên trên quấn đầy băng gạc dày, đau nhói từng đợt, nhưng cảm giác nặng nề đè ép bấy lâu đã biến mất.
Tôi được tự do rồi.
Cả về thể xác lẫn tinh thần.
Màn kịch “có bầu” của tôi, cuối cùng khép lại theo cách không ai ngờ tới.
Hôm xuất viện, Cố Hoài Viễn đích thân đến đón tôi.
Anh còn mang theo giấy khen thưởng của tôi.
Vì đóng góp nổi bật trong việc bắt giữ “Ngư Phu”, quân khu tặng tôi danh hiệu chiến công hạng ba và thưởng năm trăm đồng.
Năm trăm đồng!
Thời buổi công nhân một tháng chỉ ba bốn chục, đây đúng là cả gia tài.