Chương 7 - Đứa Con Bị Lãng Quên
7
Hồi Trình Ý còn học cấp ba, từng bị một nam sinh theo dõi suốt ngày.
Sau khi kể với ba, ông ngày nào cũng cầm gậy bóng chày đứng đợi trước cổng trường, ròng rã nửa tháng trời, cuối cùng mới dọa được tên đó tránh xa.
Cũng là con gái, cũng là bị xâm phạm, tôi đinh ninh ba sẽ lại đứng ra vì tôi.
Nhưng khi ông xem tin nhắn gã kia gửi cho tôi, ông nổi điên.
Một bạt tai giáng xuống mặt tôi.
“Bằng tuổi này mà đã biết quyến rũ đàn ông! Còn mặt mũi khóc lóc với tao à?”
“Cút đi! Nhà này không có đứa con gái lăng loàn như mày!”
Tôi lén lút vào thư phòng cầu cứu ba.
Không ngờ ông quát lớn đến mức cả nhà đều nghe thấy.
Mẹ tôi nhìn thấy ảnh thì mặt trắng bệch:
“Con gái nhà ai đi học đại học mà như mày? Không ở nhà học hành cho tử tế, lại còn bày đặt làm mấy trò mất mặt này? Đúng là không đàng hoàng!”
Trình Ý thì mỉa mai:
“Cái công việc bán thời gian của mày cũng hợp lý đó. Nếu người mẫu xấu mà đồ đẹp, khách hàng sẽ nghĩ mặc vào trông sẽ đẹp hơn.”
Trình Tư thì còn chút “máu nóng”, muốn đứng ra bênh tôi.
Nhưng vẫn mắng:
“Ba mẹ chẳng cho mày đủ tiền tiêu à? Còn phải đi kiếm tiền ngoài làm gì?”
Bị cả nhà đồng loạt chỉ trích, đầu tôi ong lên.
Tôi rõ ràng nhớ lúc Trình Ý 17 tuổi bị kẻ khác theo dõi, chị về nhà khóc lóc, ba mẹ chẳng mắng một câu.
Ngược lại, còn dỗ dành: “Không phải lỗi của con.”
Cũng là con gái, cũng là bị quấy rối, tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy?
Chỉ vì chị ấy là “đứa con xinh đẹp, được người người yêu thích” sao?
Người đẹp, có phải thế giới này sẽ ít tàn nhẫn với họ hơn không?
Uất ức và tủi thân chất chứa bao năm nay vỡ òa.
Tôi cắn răng, quay người chạy khỏi nhà.
Sau lưng là tiếng la:
“Nói mày vài câu mà đã bỏ nhà đi, giỏi quá ha!”
Tôi không hề bỏ nhà đi.
Tôi có chuyện quan trọng phải làm.
Không ai đi cùng cũng chẳng sao. Tôi tự đến đồn cảnh sát, báo án, làm tường trình.
Quả nhiên bị đùn đẩy.
“Sinh viên trường X à? Trường tốt ghê ha. Mà sao để bị lừa vậy?”
“Muốn hỏi kết quả xử lý? Tôi gọi điện mắng nó vài câu nhé? Lần sau thay đồ nhớ cẩn thận hơn.”
Kết quả này hoàn toàn khiến tôi thất vọng.
Tôi ngồi lặng lẽ ở công viên cả chiều, quyết định không thể để chuyện chìm xuồng.
Tôi lục lại danh sách nhóm chat hôm đi làm thêm, tìm từng bạn gái xem có ai từng bị quấy rối không.
Thật sự… tôi tìm ra ba người.
Một bé chỉ mới 17 tuổi, vì sợ hãi đã chuyển cho hắn 3000 tệ để bịt miệng.
Tôi dẫn cả nhóm đến đồn công an một lần nữa.
Lần này, viên cảnh sát tiếp chuyện rất hòa nhã.
Anh ấy lập tức tra thông tin đối tượng, giúp chúng tôi lập hồ sơ vụ việc.
Không lâu sau, tôi nhận được tin: gã đó bị giam hành chính 5 ngày.
Là tin tốt.
Nhưng tôi không vui nổi.
Bởi vì tôi thật sự thấy sợ.
Có lẽ mẹ nói đúng. Tôi nên ngoan ngoãn học hành, thi cử như bao sinh viên khác.
Chứ không phải mộng tưởng gì gọi là “tự lập”.
Tôi trốn trong nhà mấy ngày, không khí căng thẳng dần dịu lại.
Ba mẹ tới xin lỗi, nói không nên đánh tôi.
Là những phụ huynh kiểu học thuật, vì muốn nuôi dạy con thật tốt, họ mua đủ loại sách tham khảo.
Họ biết: cha mẹ cũng không phải thánh nhân, mắc sai thì phải xin lỗi.
Chỉ là, nhân tiện dạy dỗ tôi một trận thì vẫn không thể bỏ qua.
Mẹ tôi thuyết giảng dài dòng, chứng minh rằng “sống ảo, đua đòi” sẽ khiến người ta trượt xuống vực sâu.
Ba thì chủ động đề nghị tăng tiền sinh hoạt lên 1500 tệ:
“Công ty ba đúng là đang khó khăn, nhưng không thể để con đi làm mấy việc kiểu đó.”
Nhưng ngay câu sau ông lại nói:
“Tâm Tâm, con thấy chị con bao giờ làm mấy chuyện như vậy chưa? Sao con không thể giống chị con chút?”
Tôi lập tức siết chặt nắm đấm.
Móng tay bấu vào thịt, đau rát.
Tôi cố nuốt nước mắt, nói:
“Con biết rồi. Sau này con sẽ không khiến ba mẹ phải lo nữa.”
“Cô chủ nhiệm thông báo phải quay lại trường sớm, con sẽ về trường trước.”
Ba mẹ chẳng nhận ra hàm ý trong câu nói ấy.
Chỉ dặn dò tôi về trường nhớ học hành tử tế.
Khi thu dọn hành lý, tôi mang theo một chiếc hộp sắt nhỏ.
Bên trong chứa đủ thứ vụn vặt.
Giấy gói kẹo đẹp, bưu thiếp bạn tặng, và cả con dấu mà cô giáo dạy Văn yêu thích nhất từng tặng tôi.
Là những món đồ tôi tích góp từ nhỏ đến lớn.
Nhìn chẳng đáng giá, nhưng với tôi… là những báu vật quý giá.
Tôi cẩn thận đặt chúng vào vali.
Cứ như thể, trong tiềm thức, tôi đã biết–
Tôi sẽ không bao giờ quay lại căn nhà đó nữa.
Khi trở về ký túc xá trống trơn, lòng tôi vẫn còn đượm nỗi buồn.
Điện thoại rung lên, là một đoạn video Tô Ly gửi tới.
Trong video, tôi thấy rõ tên biến thái từng chụp lén tôi trong phòng thay đồ.