Chương 3 - Di Sản Bị Lãng Quên

Bác cả lúng túng cười trừ:

“Con sợ… sợ lỡ má đi nhanh quá, rồi để người ngoài hốt hết tài sản.”

Cô út lập tức ôm tay bà, giả vờ tức giận:

“Anh nói kiểu gì vậy? Anh mong má chết sớm đấy à?”

Bác cả tối sầm mặt, lén lườm cô một cái.

Bà nội thong thả kể:

“Có lẽ mấy đứa không biết, ông tụi con vốn là người gốc Bắc Kinh, sau vì tránh loạn mới dọn về quê này.”

“Hồi đó, nhà ông con có một căn tứ hợp viện trong nội thành.”

“Để phòng bất trắc, ông còn giấu đi vài món đồ cổ quý giá. Số tiền này cũng là của ông để lại.”

“Ông dặn, đến khi nào má gần đất xa trời mới được nói cho mấy đứa biết. Khi đó, ai hiếu thảo nhất thì được nhận hết.”

Vừa nghe xong, không khí trong phòng thay đổi hẳn.

Cô út ôm lấy bà mà khóc nức nở:

“Má, ngày xưa má thương con nhất. Nhìn má gầy đi nhiều, con đau lòng lắm…”

Bác cả thì mang nước ấm đến:

“Má, hồi nhỏ má hay rửa chân cho tụi con, giờ đến lượt con rửa cho má.”

Ba tôi thì bê cả mâm cơm đến tận giường:

“Má, món trứng hấp này má thích nhất mà, đừng dậy, để con đút cho má.”

Bà nội dùng tiền chuyển sang phòng VIP. Cả nhà ở lại ăn bữa cơm đoàn viên trong bệnh viện.

Bên ngoài có vẻ ấm áp vui vẻ, nhưng lòng tôi thì chẳng thấy dễ chịu chút nào.

Tôi biết rõ họ chỉ quay lại vì tiền của bà. Tôi không tin bà không nhận ra điều đó.

Thế nhưng bà vẫn cười tươi, hưởng thụ sự “hiếu thuận” hiếm hoi này.

Ai cũng tranh nhau thể hiện lòng hiếu thảo. Bác cả thậm chí còn bảo tôi về nhà:

“Yaya, nhà con đông người quá, thôi con về đi.”

Cô út cũng chen vào:

“Đúng đó, Tết qua rồi cũng đến lúc con phải đi học lại. Ở đây không cần con lo.”

Mẹ tôi bước lên chắn trước mặt tôi:

“Sao lại thế? Con Yaya luôn là đứa ở bên chăm sóc má. Nếu nói đến tứ hợp viện, đáng ra phải là phần của nhà tôi chứ!”

Cô út nổi giận ngay:

“Sao lại được? Ai biết con nhỏ này chăm bà vì cái gì? Biết đâu nó cũng chỉ vì tiền thôi!”

Tôi không chịu nổi nữa, bật lại:

“Cô nói ngược rồi đấy! Rõ ràng là mấy người biết bà có tiền mới mò tới. Lúc đầu cô còn vì đi chơi mà không chịu về nhà kia mà! Giờ lại đóng vai hiếu thảo!”

Mặt cô út lập tức đỏ bừng, túm lấy tay tôi, tức tối mắng:

“Chỉ có mày là giỏi giang chắc? Tao đi du lịch thì liên quan gì mày? Đây là mẹ ruột tao, tao không lo thì ai lo?”

Bác cả cũng nổi giận:

“Cãi cái gì mà cãi! Căn tứ hợp viện đó, nhà ai cũng đừng mơ, tao là con cả, đương nhiên phải thuộc về tao!”

Khi cả nhà đang ầm ĩ tranh cãi, thì ba tôi bỗng… bật lên một chút thông minh hiếm hoi:

Nè mọi người có nghĩ… biết đâu chẳng có tứ hợp viện hay đồ cổ gì cả, có khi bà già bịa ra để thử lòng tụi mình thôi?”

Cả phòng bỗng lặng ngắt.

Bác cả thoáng hoài nghi:

“Ờ… cũng đúng, tự dưng bà lôi đâu ra cả đống tiền… ai biết có phải thật không…”

Cô út lập tức quay sang tôi:

“Yaya, mày thân với bà, mày đi hỏi xem căn tứ hợp viện đó ở đâu, có sổ đỏ không?”

Lúc đó, giọng bà nội vọng từ cửa vào:

“Không cần hỏi con bé đâu, sổ đỏ bà mang rồi đây.”

Bà mặc đồ bệnh nhân, bước từ hành lang vào, tay đặt phịch tờ sổ đỏ lên bàn.

Cổ tay gầy trơ xương ấy lại đeo một chiếc vòng ngọc trong suốt lấp lánh.

“Chiếc vòng này là một trong những món cổ vật ông tụi con để lại. Giờ thì tin chưa?”

Cả nhà chột dạ, đồng thanh gật đầu lia lịa, cười gượng: “Tin tin… má nói cái gì tụi con cũng tin…”

Bà ở bệnh viện thêm vài ngày rồi nhất quyết đòi về nhà.

Ngôi nhà cũ kỹ ngày nào được dọn dẹp, trang trí lại sang trọng như biệt thự nghỉ dưỡng.

Cả họ lớn bé đều kéo đến, lần đầu tiên nhà tổ lại náo nhiệt như vậy.

Bà mặc đồ mới, nhưng cơ thể quá gầy khiến quần áo rộng thùng thình, không ôm vừa người.

Bà lúc nào cũng mỉm cười, ánh mắt hiền từ nhưng khó đoán.

Tết năm nay, bà đặc biệt rộng rãi – ai xin gì bà cũng gật đầu.

Em trai tôi xin điện thoại iPhone đời mới, chị họ xin laptop, anh họ đòi đổi xe…

Tất cả bà đều đồng ý.

Cả nhà vì thế mà “gần gũi” với bà hơn bao giờ hết.

Một lần bà ôm tôi vào lòng, hỏi khẽ:

“Yaya của bà muốn gì nào? Bà có gì cũng sẵn lòng cho con.”

Bà gầy quá, cái ôm của bà chỉ toàn xương.

Tôi lén lau nước mắt, đáp nhỏ:

“Con chỉ muốn bà khoẻ mạnh, sống lâu.”

Bà cười dịu dàng, xoa đầu tôi:

“Cầu mong vậy thì tốt, nhưng điều đó… trời không cho đâu.”

Tôi nghẹn ngào:

“Vậy con chỉ mong bà đừng đau nữa…”

Bà ôm tôi thật chặt, thủ thỉ:

“Bà thì mong con Yaya học hành thật tốt. Có học mới có tương lai, nghe chưa?”