Chương 8 - Đêm Đen Ở Hồng Hải Lộ

18

“Mụ già không biết xấu hổ kia! Bao nhiêu tuổi đầu rồi còn đi hại người khác? Không sợ tổ tiên rút lưỡi hả?”

“Từ Dương nhà tôi có đắc tội gì với mấy người đâu, làm chuyện thất đức thế không sợ trời phạt à?”

“Bà mà hóa trâu còn xúc phạm trâu nữa đấy, lần sau chuyển nghề thành muỗi cho hợp hơn nha!”

Một đám trai tráng khỏe mạnh xúm lại chửi rủa Cấm Mẫu, vừa chửi vừa ném phân bò lên người bà ta.

Đây là một trong những phương pháp tam bách công hướng dẫn.

Ngoài bùa vàng, chú ngữ, máu gà, chó mực… thì Cấm Mẫu còn sợ một thứ rất đặc biệt: phân bò.

Đúng là khắc tinh trời định.

Và rồi, chuyện kỳ lạ xảy ra con quái vật hung dữ ban nãy bắt đầu từ từ biến lại thành người ngay trước mắt mọi người.

Nhưng chưa kịp hoàn toàn trở lại hình dạng con người, Cấm Mẫu đã rú lên đau đớn, rồi hóa thành một vũng nước đen tanh tưởi, bên trong đầy những con sâu li ti bò lúc nhúc.

Đại Bôn bước tới, đổ ít dầu từ bật lửa ra rồi quẹt một phát.

Lửa bốc lên, đốt sạch lũ trùng.

“Tao có Quan Công độ mệnh đấy, đừng tưởng tao sợ tụi tà ma như mày. Đụng vào anh em tao là không tha!”

Sau này tôi có hỏi tam bách công, ông bảo rằng thân xác của lão Cấm Mẫu đã đến tuổi mỏi mòn, gần đất xa trời.

Mà “Cấm” cũng giống như ký sinh trùng, nó cần một cơ thể khỏe mạnh để tồn tại nên mới bỏ rơi bà ngoại của Lý Niệm.

Không có tà thuật chống đỡ, một cái xác già nua mục nát cũng chẳng khác gì vũng nước đen.

Chuyện này coi như đã xử lý xong, mấy đứa tụi tôi kéo nhau ra quán vỉa hè ăn nướng, gọi luôn hai két bia.

Vừa định khui chai đầu tiên thì tôi đột ngột đứng bật dậy, cảm giác có gì đó sai sai.

“Khoan đã, Lý Niệm đâu?”

19

Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại Lý Niệm lần nào nữa.

Đám bạn tôi đều khuyên thôi thì đừng gặp lại nữa, có gặp cũng chẳng phải chuyện tốt lành.

Có khi bị Đại Bôn dọa một trận khiếp vía, từ nay trốn biệt luôn.

Tôi nghĩ cũng phải, thôi thì đó lại là một kết thúc tốt.

Sau đó tôi chủ động đi tìm gặp tam bách công người mà Hình Thiên giới thiệu.

Một phần là để cảm ơn, phần khác là để tìm hiểu thêm về Cấm Mẫu.

Không ngờ người được gọi là “cao nhân đạo hạnh sâu dày” lại là một thanh niên trẻ măng.

Ông ấy nói với tôi rằng, Tà thuật kiểu này cũng giống như nghiệp truyền đời. Nếu có huyết thống Cấm Mẫu, đến đúng thời điểm thì năng lực sẽ tự động thức tỉnh.

Chỉ là mấy năm gần đây chính quyền siết chặt, âm khí suy yếu, tà đạo cũng ngày càng ít đất sống.

Có thể tôi gặp chuyện như vậy, coi như xui tận mạng.

“Nhưng cậu cũng không hoàn toàn xui đâu.” “Nhìn vào những người giúp đỡ cậu dọc đường thì biết — mệnh của cậu là kiểu lúc nào cũng xoay chuyển được cục diện.”

Phải rồi. Nếu không nhờ quý nhân liên tục xuất hiện, chắc gì tôi còn sống đến hôm nay.

Tam bách công nói là có duyên nên bảo tôi đưa tay cho ông ấy xem tướng.

Tôi ngoan ngoãn đưa ra, nhìn thấy nụ cười trên mặt ông dần dần cứng lại.

“Sao vậy? Không ổn à?”

Ông lẩm bẩm: “Vẫn… chưa kết thúc đâu…”

Tôi gặng hỏi thế nào ông cũng không nói nữa, chỉ lắc đầu: “Thiên cơ bất khả lộ.”

Sắp đến hè, chuẩn bị về quê nghỉ hè, tôi lại đem chuyện này ra kể với đám bạn, trong lòng cứ thấy lo lắng.

Đại Bôn cười hề hề:

“Tôi nói thật nhé, mấy ông thầy kiểu gì cũng giống nhau. Cứ nói mơ mơ hồ hồ cho người ta lo mà móc ví.”

“Không nói mệnh cậu có kiếp nạn thì ai chịu chi tiền giải hạn?”

Anh ta vỗ vai tôi rồi cười phá lên:

“Chứ cậu nghĩ Cấm Mẫu có thể vượt mấy trăm cây số để đến hại cậu à?”

Tôi cũng cười theo, nghĩ lại thấy đúng. Nhưng rồi chợt nhớ ra một chuyện không ổn:

Tam bách công… chưa từng lấy tiền của tôi.

20

Vừa về đến nhà, mẹ tôi đã gọi í ới, giục tôi mau bỏ hành lý xuống.

Bà đang bận rộn trong bếp:

“Mệt rồi phải không? Mẹ nấu sắp xong rồi đấy, vào ăn cơm nha con.”

“Mẹ ơi, ba đâu rồi?” Tôi tiện miệng hỏi, không nghĩ gì nhiều.

Mẹ bỗng ngẩn ra, như không ngờ tôi sẽ hỏi câu đó, một lúc sau mới lắp bắp:

“À… ổng ra ngoài rồi… chắc sắp về.”

Tôi cũng chẳng để ý lắm, ngồi xuống ghế salon chờ cơm.

Chẳng bao lâu sau, mẹ bưng đồ ăn ra:

“Nếm thử đi, xem tay nghề mẹ dạo này có khá hơn không.”

Món ăn mẹ nấu hôm nay… có vị rất lạ. Vị rất đặc trưng… tôi đã từng ăn ở đâu đó…

Đúng rồi — lúc ở Hải Nam.

“Mẹ đổi khẩu vị nấu ăn à?”

“Ừm… con không thích hả?”

“Không, thích chứ… thích mà.”

Tôi vừa ăn một miếng to thì mẹ vui vẻ quay trở lại bếp tiếp tục nấu canh.

Tôi liếc vào bếp — bàn tay cầm muôi của mẹ trắng đến kỳ lạ, mịn như da con gái đôi mươi.

Điện thoại đổ chuông — là cảnh sát gọi đến.

Họ báo rằng ba mẹ tôi đã gặp tai nạn giao thông khi đang trên đường ra sân bay đón tôi.

Tôi sững sờ quay đầu lại —Vậy người đang đứng trong bếp… là ai?

Tôi nhớ lại lời tam bách công: Cấm Mẫu cũng giống như nghiệp truyền, chỉ cần mang dòng máu Cấm Mẫu, đến một thời điểm nào đó sẽ tự thức tỉnh.

Trong bếp, mẹ nhẹ nhàng ngân nga một bài hát chỉ có giới trẻ mới hay nghe:

“Mẹ sẽ mãi bên con, bên con suốt đời…”

Rồi bà mang bát canh nóng bốc khói, tươi cười đặt trước mặt tôi.

“Nếm thử đi.”

Cuối cùng tôi cũng hiểu ra — lời nói sau cùng của tam bách công có ý gì.

Chỉ có người trong nghề mới biết — Ở Hải Nam, đơn sau 12 giờ đêm, có chết cũng không được nhận.

Mà tôi lại chính là ví dụ sống sót hiếm hoi…

Cô ta đã bám theo tôi, quay về tận nhà tôi.