Chương 3 - Cuộc Hôn Nhân Sụp Đổ

9

Sáng hôm sau. Chúng tôi cùng nhau đến cục dân chính, lấy giấy xác nhận đăng ký ly hôn.

Chỉ còn đợi một tháng nữa, là có thể chính thức nhận giấy chứng nhận ly hôn.

Về căn nhà thuê hiện tại Trình Duệ tỏ ra “hào phóng”, tuyên bố “thưởng” cho tôi.

Mọi thứ trong nhà, anh ta chẳng lấy theo bất kỳ món nào.

Anh ta nói mình muốn bắt đầu cuộc sống mới, nên tất cả “đống đồ cũ kỹ này”, anh ta không cần nữa.

Tôi nghe mà phát tởm. Tuy cũng muốn dọn đi thật xa cho sạch sẽ, nhưng nghĩ lại: vị trí căn nhà này quá thuận tiện, tiền thuê lại rẻ, hơn nữa còn dư hai tháng tiền nhà.

Thế là tôi dọn dẹp toàn bộ căn nhà thật sạch, tất cả những gì từng thuộc về anh ta, tôi đều ném vào bãi rác. Sau đó tiếp tục ở lại đây cùng con gái.

Hai tháng rưỡi sau.

Một ngày nọ, có người gõ cửa nhà tôi.

Mở cửa ra, tôi thấy mẹ chồng — khuôn mặt đầy vết thương, đang đứng bên ngoài.

Bà rụt rè nhìn tôi, khẽ hỏi: “Ngọc à, con còn cần mẹ trông bé Nhã Nhã giúp không? Mẹ… mẹ với ông ấy ly hôn rồi, giờ mẹ tự do rồi… mà lại không có nơi nào để đi. Lần này mẹ không cần lương đâu, con chỉ cần cho mẹ một chỗ ở là được…”

Bà từng ở đây chăm sóc cháu gái suốt gần hai năm trời.

Ngoài khoản tiền đi chợ thiết yếu hằng ngày, tôi còn đưa cho mẹ chồng cũ thêm hai nghìn tệ mỗi tháng làm tiền tiêu vặt.

Tôi bảo bà dùng để mua vài bộ quần áo, hoặc những gì bà thích.

Ban đầu, bà nhất quyết không nhận. Về sau từ chối mãi không xong, bà chỉ cười đùa nói với tôi: “Già rồi già rồi, mà lại còn được phát lương nữa.”

Từ đó, hai chúng tôi gọi khoản tiền ấy là “tiền lương”.

Bà không nỡ tiêu. Toàn bộ đều được bà cẩn thận tích góp lại.

Tết năm đầu tiên về quê, bà dùng số tiền đó mua bốn đôi vòng tay bạc.

Một đôi tặng tôi, ba đôi còn lại, gửi cho ba người chị gái của Trình Duệ.

Bà nói ngày các chị ấy xuất giá, bà chẳng có của hồi môn, trong lòng vẫn luôn áy náy. Còn tôi, khi bước vào cửa nhà họ, bà cũng không chuẩn bị được gì, vẫn thấy có lỗi.

Sau đó, bà lại tiếp tục dành dụm. Bà nói, chờ đến ngày bé Nhã Nhã xuất giá, bà muốn tặng cho cháu một đôi vòng tay bằng vàng.

10

“Bà ơi, ôm ôm.”

Cô con gái hơn ba tuổi của tôi — dù đã hơn một năm không gặp bà — vừa nghe thấy tiếng bà, liền chạy ùa ra, giang hai tay nhỏ xíu về phía bà, ngửa người chờ được ôm vào lòng.

Mẹ chồng nhìn tôi, ánh mắt khựng lại. Muốn ôm cháu nhưng lại sợ tôi không đồng ý.

Tôi nhìn thấy ánh mắt đó, bỗng thấy tim mình nhói lên một cái.

Trước đây, Trình Duệ giấu tôi rất kỹ chuyện gia đình, nên tôi cũng chẳng hiểu rõ lắm về hoàn cảnh nhà anh ta.

Mãi gần đây, tôi tình cờ gặp một người họ hàng xa bên anh ta trên mạng, mới thật sự biết rõ mọi chuyện.

Mẹ chồng tôi – khi bà còn chưa đến tuổi trưởng thành – đã bị người nhà bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho em trai.

Bà bị gả cho cha chồng tôi – một người đàn ông hơn bà sáu tuổi, xấu xí đến mức chẳng thể cưới được vợ theo lẽ thường.

Từng ấy năm qua chỉ cần có chuyện không vừa ý, ông ta liền đánh đập bà thậm tệ.

Bà hiền lành, tính cách mềm yếu, lại không có khả năng kiếm tiền, chỉ sợ mình gây phiền phức cho con cái nên bao nhiêu năm qua luôn cắn răng chịu đựng.

Cho đến khi tôi sinh Nhã Nhã, cha chồng mới đồng ý để bà đến nhà tôi chăm cháu, bà mới hay nói: “Mẹ bắt đầu được sống những ngày tử tế.”

Nhưng… chăm cháu, làm sao gọi là ngày tử tế được?

Dù sao tôi cũng cần tìm người trông con để chuyên tâm phát triển công việc. Mẹ chồng cũ chăm Nhã Nhã rất cẩn thận, chu đáo, lại thật lòng thương cháu.

Vì vậy, tôi gật đầu, nói với bà:

“Con sẽ trả mẹ theo giá thị trường – tám nghìn một tháng, rồi hai mẹ con mình ký hợp đồng lao động đàng hoàng.”

Nghe tôi đồng ý, bà vui mừng khôn xiết, cúi người bế lấy Nhã Nhã vào lòng. Nhưng đến khi nghe tôi nói đến tiền, bà lại liên tục lắc đầu:

“Ngọc à, con đã cho mẹ ở nhờ, mẹ đã mang ơn lắm rồi. Đừng trả tiền cho mẹ nữa… Mẹ biết khi ly hôn con không chia được gì từ Tiểu Duệ, bây giờ lại còn vì con mà vẫn chưa đi làm lại, trong tay chắc chắn chẳng dư dả gì đâu…”

Tôi bỗng thấy ấm lòng, bật cười: “Không lấy tiền của con, lỡ sau này hai mẹ con mình giận nhau thì sao?”

Mẹ chồng khựng lại, không nói gì.

“Cho nên, mẹ à, mẹ phải hiểu một đạo lý: tay mình có nắm được gì đó, thì mới không bị người khác ép uổng.”

Như sực nghĩ tới điều gì, bà đỏ hoe mắt, rồi lại thở dài thật sâu: “Đợi sau này con có tiền hẵng nói, con ạ.”

Tôi bật cười giòn tan: “Ha ha ha, mẹ ơi, con có tiền rồi mà!”

Tôi đưa cả hai tay ôm lấy cánh tay bà, kéo vào lòng: “Thôi, hai mẹ con mình đừng đứng ở cửa nói chuyện mãi nữa, vào nhà ký hợp đồng nào!”

Mẹ chồng đâu biết, chỉ trong vòng hai tháng, kênh video ngắn của tôi đã đem lại doanh thu lên tới hàng chục nghìn tệ.

11

Từ đó về sau, cuộc sống của tôi trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Tôi chỉ cần tập trung toàn lực vào công việc, vào việc kiếm tiền.

Còn việc trong nhà, mẹ chồng lo liệu đâu vào đấy.

Bà chăm sóc tôi và bé Nhã Nhã chu đáo vô cùng.

Chúng tôi — như một gia đình thực thụ. Tôi lo bên ngoài, bà lo bên trong.

Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi và mẹ chồng lại cùng ngồi ngoài ban công, uống trà, trò chuyện.

Đây là thứ mà trước kia – khi Trình Duệ còn sống cùng – tôi chưa từng được trải qua Bởi chỉ cần thấy hai người chúng tôi nói chuyện, anh ta sẽ lập tức bước vào chen ngang, phá đám.

Giờ thì tốt rồi. Cái kẻ phiền phức ấy, đã không còn xen vào giữa chúng tôi nữa.

Những cuộc trò chuyện của tôi và mẹ chồng, đa phần là tôi nói.

Tôi kể về công việc của mình, kể về những chuyện trên nền tảng video ngắn, kể cả những mẩu hài thịnh hành gần đây, thậm chí còn “truyền thụ” cho bà: “Mẹ đừng sống thật quá, phải học mấy cô ‘trà xanh một chút.”

Bà nghe không hiểu nhiều, nhưng vẫn sẵn lòng lắng nghe, dùng đôi tai của mình — để trở thành người luôn ở bên tôi.

Khoảnh khắc ấy, với một đứa trẻ từ nhỏ đã thiếu hơi ấm của cha mẹ như tôi, tôi thật sự thấy: cuộc sống như thế này, mới gọi là hạnh phúc.

Tôi thậm chí đã nghĩ, giá mà có thể sống như vậy mãi mãi thì tốt biết bao.

Nhưng đời… không ai nói trước được điều gì. Chuyện trên đời, cũng chẳng mấy khi thuận lòng người.

Vào ngày thứ bảy kể từ khi bà đến sống cùng tôi, Trình Duệ tìm đến.

Từ sáng sớm, anh ta đã đứng ngoài cửa nhà tôi.

Anh ta nói — muốn đưa mẹ về. Tiếp tục để bà chăm sóc cho cha anh ta.

“Tìm mẹ cả mấy ngày trời, thì ra trốn ở đây!”

Vừa gặp mặt, Trình Duệ đã buông lời cộc cằn, đầy khó chịu.

Mẹ chồng vừa đi chợ về, còn chưa kịp đóng cửa ra vào, đã bị Trình Duệ chắn ngay trước cửa.

Nghe tiếng động, tôi vội đóng cửa phòng con gái – lúc ấy đang ngủ say – rồi chạy ra.

“Nếu không phải tình cờ gặp mấy người hàng xóm ở đây, tôi cũng chẳng ngờ bà lại bỏ mặc ba tôi, chạy tới đây sống với người ngoài như thế này!

Bà có biết mấy ngày nay, ba tôi gọi điện làm phiền tôi suốt không? Tôi không ngủ nổi nổi một đêm trọn vẹn!

Đi! Về với tôi ngay! Có bà ở đó, ông ấy sẽ không còn bám lấy tôi nữa!”

Vừa dứt lời, Trình Duệ đã vươn tay kéo mạnh cánh tay mẹ chồng, muốn lôi bà ra khỏi nhà.

Tôi lập tức bước lên một bước, đứng chắn giữa hai người:

“Trình Duệ, mẹ anh đã ly hôn với ba anh rồi. Bà không có nghĩa vụ phải tiếp tục sống với một người chồng từng bạo hành mình, và càng không có trách nhiệm phải thay anh ‘báo hiếu’.

Người cần chăm sóc ông ta là anh – con trai ruột của ông ta – chứ không phải mẹ anh. Làm ơn phân biệt rõ ràng đi.”

“Tiểu Duệ, mẹ và ba con đã ly hôn rồi… Mẹ không về đâu!” – Mẹ chồng bấu chặt lấy khung cửa, cố sức giằng tay khỏi sự kéo lê của con trai.

“Ly hôn? Sao con không biết?” – Trình Duệ sững lại, vẻ mặt ngơ ngác.

12

Quả thật, Trình Duệ không hề biết chuyện mẹ anh ta đã ly hôn với cha.

Bởi vì, chẳng ai nói với anh ta.

Cha anh ta cảm thấy mất mặt, nên giấu biệt đi.

Còn mẹ chồng, bởi đã hoàn toàn lạnh lòng với cả mấy người con gái trong nhà, nên cũng chẳng buồn mở miệng nói cho ai biết chuyện ly hôn ấy.

Mọi chuyện… phải kể từ ngày tôi và Trình Duệ đến cục dân chính làm thủ tục ly hôn.

Chính hôm đó, mẹ chồng bị cha chồng đánh một trận thừa sống thiếu chết.

Chỉ vì… bà mặc một bộ quần áo mới.

Bộ đồ ấy khiến dáng vẻ vốn đã dịu dàng của bà thêm phần có khí chất. Hàng xóm đi ngang qua đều khen bà trông trẻ trung, tươi tắn, tràn đầy sức sống.

Bộ quần áo đó, là tôi trước đó mua tặng bà, rồi gửi về quê.

Vốn là người ít khi dám mở miệng nói chuyện với người ngoài, vậy mà hôm ấy, bà lại vui vẻ khoe với hàng xóm đôi lời tốt đẹp về tôi.

Chỉ vài câu khen ngợi đơn thuần như vậy thôi, cũng đủ khiến cha chồng nổi trận lôi đình.

Vốn dĩ ông ta đã đa nghi thành bệnh, nghe thấy vợ mình khen con dâu trước mặt người khác, liền chẳng cần phân biệt trắng đen, lớn tiếng chửi mắng bà:

“Bà bao nhiêu tuổi rồi còn mơ tưởng ngoại tình? Đừng tưởng tôi không nhìn ra — bà có ý với người khác!”

Mà người đó… chỉ là một nam sinh đang học cấp ba, người đầu tiên khen mẹ chồng tôi mặc đẹp hôm ấy.

Cha chồng không nghe giải thích, nắm lấy tóc bà, đập đầu bà xuống đất, rồi đấm đá điên cuồng.

Mà cái lý do Trình Duệ từng nói với tôi – “ba gặp chuyện, cần mẹ về chăm” — tất cả đều là bịa đặt.