Chương 1 - Cuộc Hôn Nhân Sụp Đổ

1 Sáng hôm sau.

Tiễn mẹ chồng lên đường. Bà lại khóc.

Bế Nhã Nhã, ôm chặt rồi lại hôn lấy hôn để.

Sợ miệng mình không sạch, Bà chỉ dám hôn lên vạt áo chỗ vai của con bé.

Hai năm ở bên cháu từ sáng đến tối, Giờ phải xa nhau, bà không nỡ, Nhã Nhã cũng buồn.

Nghĩ đến cuộc sống mà mẹ chồng sắp phải đối mặt khi trở về quê, tôi lại quay sang nói với Trình Duệ: “Nhất định phải để mẹ về sao? Mình không thể thuê bảo mẫu cho ba à?”

Cha chồng tôi là người có tính khí vô cùng nóng nảy. Những năm sau khi tôi và Trình Duệ kết hôn, mỗi lần về quê thăm hai ông bà, Lúc nào cũng thấy ông ta hở chút là vung tay tát mẹ chồng, mắng chửi thậm tệ, hoàn toàn không coi bà ra gì.

Nếu không phải trước khi cưới, mấy lần gặp ông ta đều tỏ ra hòa nhã dễ gần, thì có đánh chết tôi cũng không lấy con trai ông ta làm chồng.

Nghe tôi nói vậy, Trình Duệ lập tức sa sầm mặt: “Có bảo mẫu nào chịu được cái tính của ba không? Đến lúc người ta bỏ chạy, lại là anh phải đứng ra giải quyết! Thôi, em đừng lo chuyện này nữa.”

Nói rồi, anh ta liền kéo tay mẹ chồng đi, chẳng hề quan tâm bà đã ngoài sáu mươi, còn đang kéo vali lỉnh kỉnh phía sau. Bước nhanh về phía xe khách: “Đi nhanh lên, không là trễ xe, ba lại gọi tới làm phiền anh nữa bây giờ!”

Giọng điệu và thái độ ấy, chẳng khác gì cách cha chồng đối xử với mẹ chồng.

Nhìn cảnh đó, lòng tôi với Trình Duệ lại lạnh thêm mấy phần. Từ sau khi sếp anh ta nói sẽ cân nhắc đề bạt lên làm trưởng phòng cách đây ba tháng, anh ta càng lúc càng giống cha mình.

Cách đối đãi với người nhà, từ ôn hòa kiên nhẫn, dần trở thành nóng nảy, bực dọc. Tôi bỗng thấy, cuộc hôn nhân này… e là chẳng đi được bao xa nữa.

Dẫu sao, một người đến cả mẹ ruột – người yêu thương mình hết lòng – còn chẳng biết hiếu thuận, thì với người ngoài như tôi, có thể thật lòng được mấy phần đây?

2

Ngày hôm sau sau khi mẹ chồng rời đi, Trình Duệ nhận được email thông báo thăng chức.

Lương tăng gấp ba, anh ta ôm chặt lấy tôi, hết hôn lại cảm ơn rối rít.

Tôi bị anh ta cảm ơn đến mức thấy khó hiểu.

Đợi anh ta bình tĩnh lại rồi, lại đem chuyện cũ ra nói, muốn tôi nghỉ việc ở nhà làm nội trợ toàn thời gian.

Tôi nghĩ đến mẹ chồng – người đã sống cả đời làm nội trợ, nhẫn nhịn và cam chịu trước mặt cha chồng. Lại nghĩ đến biểu hiện gần đây của Trình Duệ.

Tôi kiên quyết từ chối.

Hai vợ chồng cãi nhau một trận lớn, anh ta giận dữ đập cửa bỏ đi.

Sau đó, anh ta nói với tôi là công ty cử anh ta đi công tác, một tháng không về.

Tôi không biết đó là trùng hợp, hay chỉ là cái cớ để gây áp lực, buộc tôi phải thoả hiệp.

Bởi vì gần đây công ty tôi rất bận, tôi và Trình Duệ đã bàn nhau sẽ thay phiên xin nghỉ, cho đến khi tìm được bảo mẫu phù hợp.

May mà sếp của tôi ở công ty mới – nơi tôi vừa vào làm được hai tháng – là người rất tốt.

Nghe tôi trình bày lý do xin nghỉ, Chị ấy ủng hộ quyết định của tôi, bảo tôi cứ yên tâm, tìm được bảo mẫu rồi hãy quay lại làm.

Cũng coi như may mắn, Ngày thứ ba, nhờ đồng nghiệp giới thiệu, tôi tìm được một bảo mẫu khá phù hợp.

Thế nhưng chưa được mấy hôm, người bảo mẫu ấy bỗng la lối nói trên người con gái tôi có “thứ gì dơ bẩn”, rồi bỏ việc không làm nữa.

Tôi cũng đã mời cả “Harry Potter” đến – ý là mấy người chuyên coi phong thủy trừ tà – nhưng ai nấy đều bảo không thấy gì bất thường.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy vài lần, chẳng còn ai dám đến giúp tôi trông con nữa.

Trong khoảng thời gian đó, tôi và Trình Duệ đã cãi nhau mấy lần qua điện thoại. Cuối cùng, vẫn là tôi nhượng bộ, chấp nhận nghỉ việc ở nhà chăm con.

Ban đầu, anh ta còn tỏ ra tử tế, tiền sinh hoạt đưa về cũng dư dả.

Nhưng một năm sau, anh ta bắt đầu không đưa tiền nữa, lại còn thường xuyên không về nhà cả đêm.

Hỏi thì bảo công ty bận. Tôi đòi tiền sinh hoạt, anh ta liền mất kiên nhẫn, rút từ túi ra mấy trăm bạc, ném thẳng vào mặt tôi – đầy nhục mạ.

Tôi từng nghĩ, có lẽ sẽ có một ngày như vậy. Chỉ không ngờ… ngày đó lại đến sớm như thế.

May mà trong lòng tôi vẫn luôn giữ một niềm tin: “Không làm dây leo phụ thuộc, phải trở thành cổ thụ đứng vững.”

Cho nên, suốt một năm qua tôi vẫn luôn âm thầm chuẩn bị đường lui cho chính mình. Để đến khi thất vọng với cuộc hôn nhân này, tôi có đủ vốn liếng để nói lời dừng lại.

3

Mức lương hơn hai mươi nghìn mỗi tháng trước khi tôi nghỉ việc, là vừa mới được tăng gấp đôi ở công ty mới – nơi tôi chỉ kịp làm chưa đến ba tháng.

Vì vậy, trừ đi khoản nợ vay học phí đại học, cùng tiền sinh hoạt lúc còn đi làm, với một người mới đi làm được bốn năm như tôi, thật sự không có bao nhiêu tích lũy.

Dù lúc mới khuyên tôi nghỉ việc ở nhà, Trình Duệ tỏ ra rất hào phóng, nói gì cũng là: “Anh nuôi được em, em cứ yên tâm chăm con.”

Nhưng trong lòng tôi hiểu rõ, người như anh ta, sẽ chẳng để tôi dựa dẫm được bao lâu.

Dù gì, trước mặt đã có một tấm gương sống – chính là cha anh ta.

Thế nên, ngay từ tháng đầu tiên nghỉ việc, tôi đã bắt đầu suy nghĩ: có công việc nào, vừa có thể kiếm tiền, vừa có thể ở nhà trông con không?

Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng tôi để mắt đến mảng tự làm nội dung trên nền tảng video ngắn – tự truyền thông, tự kiếm tiền.

Dù sao thì, công việc trước đây của tôi vốn là chuyên viên trang điểm đồng hành – theo các cô dâu hoặc đoàn phim.

Về khoản trang điểm và mỹ phẩm, tôi có khá nhiều kinh nghiệm. Nghĩ rằng nếu biết cách dùng ngôn ngữ hình ảnh chuyên nghiệp, sẽ càng dễ thu hút người xem, nên tôi bắt đầu lên mạng tìm các khóa học trực tuyến.

Dùng thời gian rảnh rỗi trong hai tháng, tôi tự học về dựng video và vận hành tài khoản.

Đến khi tôi đăng được video đầu tiên mà bản thân cảm thấy hài lòng, thì đã là tháng thứ ba kể từ khi bắt đầu quyết định theo đuổi con đường này.

Thế nhưng, video đầy kỳ vọng đó lại chẳng mang về chút lượt xem nào đáng kể.

Liên tiếp 99 video sau đó, cũng y như vậy.

Tôi không nản.

Lại nghĩ, hay là dắt con theo, ra ngoài bày một sạp bán đồ ăn vặt nhỏ.

Đời vốn khó đoán.

Khi tôi đã luyện món bánh kẹp đến mức có thể thật sự đem ra bán, thì đúng lúc đó — video mỹ phẩm thứ 100 mà tôi đăng lên, bỗng nhiên viral.

Và cũng chính trong ngày hôm ấy, Trình Duệ ném tiền vào mặt tôi, sỉ nhục tôi.

Cũng chính trong ngày hôm đó, tôi bất ngờ nhận được một tin nhắn WeChat.

Nội dung là một bức ảnh.

Gửi đến rồi lập tức bị thu hồi, hoàn toàn không kịp chụp màn hình hay lưu lại.

Chỉ một khoảnh khắc ấy thôi, mức độ ghê tởm trong tôi dành cho Trình Duệ lại tăng lên gấp bội.

Tôi chỉ muốn nhanh chóng ly hôn với người đàn ông này, để từ nay về sau, không bao giờ phải nhìn thấy mặt anh ta nữa.

Vì bức ảnh đó là ảnh giường chiếu khi anh ta ngoại tình.

4

Ngày hôm sau, thứ Bảy, buổi chiều.

Trình Duệ say khướt trở về nhà, người nồng nặc mùi rượu.

Lúc đó tôi đang buộc tóc hai bên cho Nhã Nhã, thử váy công chúa để chuẩn bị quay video đăng lên tài khoản.

Hiếm hoi lắm anh ta mới về nhà vào ban ngày, vừa thấy cảnh đó, mặt liền sa sầm lại: “Váy mới à?”

Nhã Nhã còn nhỏ, chưa biết nhìn sắc mặt người lớn, liền ngây thơ đáp: “Không phải đâu ba, là mẹ lấy váy cũ của mẹ, sửa lại cho con đó! Đẹp không ba?”

Nghe con nói là váy cũ tôi sửa lại, sắc mặt Trình Duệ có dịu đi đôi chút.

Nhưng chỉ mấy giây sau, anh ta lại quát to vào mặt con bé:

“Cởi ra ngay! Con gái nhà thường dân mà cũng đòi ăn mặc như tiểu thư quý tộc à? Đúng là nghèo mà còn bày đặt!”

Nhã Nhã bị anh ta quát đến phát khóc, lao vào lòng tôi ôm chặt.

Anh ta chẳng buồn để ý đến con, lại trừng mắt nhìn tôi:

“Cả ngày chỉ biết son son phấn phấn, ăn mặc chưng diện, tiêu tiền như nước! Cô dạy con gái cũng giống y như cô – đua đòi, vô dụng! Tôi hỏi cô, Sở Minh Ngọc, cô tưởng tiền tôi là gió thổi tới à? Có bao giờ nghĩ tới tôi đi làm kiếm tiền cực khổ thế nào không? Cô có thể sống thực tế một chút không? Học người ta như Trần Dung ấy, ăn mặc giản dị, ngoan ngoãn ở nhà làm vợ hiền mẹ đảm!”

Trần Dung, chính là người hàng xóm sát vách – hình mẫu “vợ hiền mẹ tốt” điển hình trong khu.