Chương 3 - Cơn Mưa Ký Ức

Tôi không biết lấy gì để trả ân cứu mạng, dường như chẳng còn lựa chọn nào.

Tôi đành gật đầu.

Ngày đó, chỉ còn ba ngày nữa tôi sẽ nhập học trường đại học danh tiếng mà tôi vất vả thi đậu.

Tôi đã lên kế hoạch: vừa học vừa làm, sau khi tốt nghiệp sẽ tìm việc, giúp mẹ ly hôn, đưa bà sống cuộc đời tốt đẹp.

Tương lai rạng rỡ chỉ trong tầm với.

Nhưng hiện thực là, mẹ tôi đã ly hôn thuận lợi.

Còn tôi – chẳng thể lên đại học.

Tôi bị đưa vào nhà họ Giang, bắt đầu toàn tâm toàn ý tiếp cận Giang Dự, sưởi ấm và chữa lành cho anh ta, để anh ta giẫm lên xương máu tôi mà bò khỏi vực thẳm.

Đến khi anh ta cuối cùng cũng chịu bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận ánh sáng mặt trời…

Thì số phận tôi cũng đã gắn chặt với anh ta từ lúc nào chẳng hay.

Bà nội ra đi thanh thản, không mang theo tiếc nuối.

Chỉ là bà chưa từng nói với tôi:

n cứu mạng này, và bao nhiêu giúp đỡ suốt ngần ấy năm… tôi phải trả tới mức nào… mới gọi là đủ?

7

Chuyện này, Giang Dự hoàn toàn không hay biết.

Anh ta đã hoàn toàn không thể rời khỏi tôi.

Dù tôi ở bên anh ba năm, anh ta vẫn luôn hoài nghi tôi sẽ đột nhiên biến mất, bỏ lại anh ta mà đi.

Cho nên, anh ta muốn trói chặt tôi mãi mãi bên cạnh.

Đợi tôi vừa đủ tuổi, anh lập tức kéo tôi đi đăng ký kết hôn.

Nhưng có giấy rồi, anh ta vẫn bất an, mỗi ngày đều bày đủ trò hỏi tôi: “Em có yêu anh không?”

Tôi phiền đến mệt, chỉ có thể đáp lại: “Yêu, yêu chứ.”

Dù gì thì tôi cũng đến bên Giang Dự từ năm mười bảy tuổi, trước đó chỉ biết chăm học, chưa từng yêu đương.

Huống chi Giang Dự lại rất đẹp trai.

Thỉnh thoảng anh ta rũ mi nhìn tôi chằm chằm không chớp mắt, thật sự khiến tim tôi đập rộn ràng.

Sau khi tôi mang thai Giang Văn, bệnh tình của Giang Dự có chuyển biến tốt rõ rệt.

Đúng lúc đó, Giang Dự vô tình phát hiện ra cha mẹ anh ta giấu chuyện có con riêng — một cậu em trai gần mười tuổi.

Anh ta nổi giận, bắt đầu vào công ty tranh quyền.

Bản thân anh vốn thông minh, mấy năm đóng kín trong phòng cũng không lười học hành.

Thêm vẻ ngoài xuất chúng, nên rất nhanh đã thành công chấn động.

Anh ta không còn sợ thế giới bên ngoài, thậm chí dần bị sự hào nhoáng ấy mê hoặc.

Dần dần… anh ta bắt đầu lơ là tôi.

Thế nhưng anh ta vẫn giữ một thói quen — thích nhìn tôi vì anh mà nổi giận, ghen tuông, đau khổ.

Rồi từ những cảm xúc mãnh liệt đó, anh ta hút lấy tình yêu mà anh ta cần.

Mười năm trôi qua.

Tôi trong gương đã có nếp nhăn ở đuôi mắt, ánh mắt trống rỗng mệt mỏi, như thể toàn thân đã bị rút cạn sức sống.

Còn Giang Dự lại như phượng hoàng tái sinh, càng trưởng thành, càng đẹp trai, khí chất ngày càng cao quý.

Năm tháng dường như chưa từng để lại dấu vết trên gương mặt hoàn mỹ đó.

Nhưng tôi đã chẳng còn nhớ nổi nữa.

Kỷ Nhan mười bảy tuổi từng gặp Giang Dự hai mươi tuổi là người thế nào?

Giang Dự hai mươi ba tuổi, từng yêu tôi đến mức mỗi đêm phải ôm tôi mới ngủ được… là người ra sao?

Không nhớ nổi nữa.

Tôi chỉ nhớ, chúng tôi vẫn chưa từng làm lễ cưới.

Khi ấy Giang Dự hứa sẽ tổ chức một hôn lễ long trọng khiến cả thành phố phải dõi theo.

Nhưng tôi nói phô trương quá, không cần thiết.

Thế là anh ta nói, được thôi, anh sẽ mua một tòa lâu đài, chất đầy hoa.

Trong đó chỉ có hai chúng tôi.

Anh sẽ cầu hôn tôi, hỏi tôi vô số lần rằng: “Em có yêu anh không?”

Tôi chỉ cần nói: “Yêu.”

Không cần ai làm chứng, anh ta sẽ mãi mãi ghi nhớ khoảnh khắc đó, mãi mãi yêu tôi.

Mười năm, những tháng năm đau khổ xen lẫn hạnh phúc đã qua.

Cái chết của mẹ như hồi chuông cảnh tỉnh, khiến tôi hoàn toàn bừng tỉnh khỏi giấc mộng mơ hồ.

Tôi đã để lại cho nhà họ Giang một đứa con. Một mạng đổi một mạng.

n nghĩa đã sớm trả đủ.

Từ nay về sau, tôi không còn là “phu nhân Giang”, không còn là “mẹ của Giang Văn”.

Tôi chỉ là chính tôi, là Kỷ Nhan.

Là cô gái từng đánh rơi giấy báo nhập học năm mười bảy tuổi, giờ sẽ nhặt lại và bắt đầu lại cuộc đời.

8

Tôi không tổ chức tang lễ linh đình cho mẹ.

Dù gì thì bà kết hôn bao năm, luôn tận tụy vì gia đình, họ hàng thì xa cách, bạn bè cũng đứt liên lạc, gần như chẳng ai thật lòng đến tiễn đưa.

Vì vậy tôi để dành số tiền đó, chọn cho bà một phần mộ có phong thủy tuyệt đẹp.

Ban đầu tôi chỉ định mua một phần.

Sau lại mua thêm hai phần nữa.

Vì Triệu Ngọc San bảo: sau này nếu tôi chôn ở đây, cô ấy cũng muốn nằm bên cạnh tôi.

Sống là bạn thân, chết làm ma thân, tha hồ tám chuyện, chuyển kiếp cũng không cô đơn.

Tiêu Tiêu nghe vậy gật đầu tán thành, giơ tay đòi một phần mộ cho mình.

Triệu Ngọc San búng đầu thằng bé, bảo nó còn nhỏ, sau này lớn rồi tự chọn.

Giờ mà mua rồi không thích lại đòi đổi, phiền lắm.

Một chuyện vốn rất nặng nề, nhờ hai mẹ con họ mà bỗng trở nên nhẹ nhõm hẳn.

Nỗi đau trong lòng tôi cũng nguôi đi phần nào.

Tiêu Tiêu vì không có mộ phần của mình nên có chút ủ rũ.

Trên đường về, thằng bé nắm tay tôi nói:

“Mẹ ơi, mẹ mua cho con cây kem đi, vậy thì con không buồn nữa.”

Triệu Ngọc San mắng nó: “Buồn cái rắm, sáng nay vừa ăn kem xong, giờ lại đòi.”

Không cho tôi mua cho nó.

Tiêu Tiêu rất giỏi làm nũng, ánh mắt long lanh nhìn tôi.

Tôi lập tức mềm lòng, định đồng ý mua cho nó.

Bỗng sau lưng vang lên một tiếng hét sắc lạnh:

“Cô ấy là mẹ tôi! Không được gọi cô ấy là mẹ!”

Không biết từ đâu, Giang Văn xông đến, hung hăng đẩy Tiêu Tiêu ngã xuống đất.

Tiêu Tiêu chống tay, lòng bàn tay trắng trẻo lập tức bị trầy đến chảy máu.

Nó bặm môi, rồi bật khóc:

“Hu hu… mẹ ơi…”

Tim tôi như vỡ vụn.

Tôi ôm Tiêu Tiêu dỗ dành, lạnh lùng nhìn Giang Văn đang siết chặt nắm tay, đỏ hoe mắt trừng tôi.

Ánh mắt tôi như dao cắm vào đồng tử Giang Văn khiến nó khựng lại.

Vẻ mặt nó vẫn bướng bỉnh, nhưng giọng nói mang theo lên án:

“Con mới là con trai của mẹ.”

Tôi nhíu mày, nói thẳng:

“Mẹ không có đứa con trai nào ác như con.”

Giang Văn ngẩn ra.

Nó sững sờ giây lát, nước mắt ào ào trào ra, nhưng vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, dùng tay áo lau nước mắt.

Nó ngẩng đầu, hung dữ hét:

“Nếu mẹ không về, bố sẽ đưa người phụ nữ khác về nhà đấy!”

Tôi biết.

Dạo này điện thoại tôi đầy tin nhắn khiêu khích, ảnh Giang Dự thân mật với các cô gái khác.

Tôi chặn rồi, xoá rồi, vẫn không xuể, cuối cùng phải thay SIM.

Giang Dự không hề thay đổi, vẫn nghĩ chiêu trò cũ sẽ khiến tôi lay động.

Nhưng đến cả anh ta tôi cũng không để tâm, thì sao phải để tâm anh ta với ai?

Tôi bình tĩnh vỗ lưng Tiêu Tiêu, nhẹ nhàng dỗ nó.

Còn đối mặt với Giang Văn, tôi lạnh lùng nói:

“Vậy thì tốt, con đi tìm mẹ mới đi.”

Giang Văn chết sững.

Lúc này nó mới thật sự nhận ra thái độ tôi thay đổi, là thật sự không cần nó nữa.

Nó vẫn còn nhỏ, không chịu được cú sốc, bật khóc nức nở:

“Hu hu… mẹ… về nhà với con… mẹ không được làm mẹ người khác…”

Tiêu Tiêu không còn khóc.

Nó ôm cổ tôi, nghiêng đầu nhìn Giang Văn đang ngồi dưới đất khóc lóc ăn vạ.

Sau đó cau mày, ghét bỏ nói:

“Mẹ ơi, con không cần anh trai này đâu, khóc xấu quá.”

Giang Văn nghe thấy, nghẹn một lúc.

Tôi liền nhân cơ hội rút chân ra, thản nhiên liếc vệ sĩ đang đứng xem ở lề đường.

Sau đó nói:

“Ừ, nó không phải anh con, đừng để ý tới nó.”

Vệ sĩ do dự tiến lên đỡ thiếu gia nhỏ nhà họ Giang.

Còn Giang Văn chỉ ngơ ngác ngẩng đầu nhìn tôi, như thể thật sự bị lời nói của tôi làm tổn thương.

Nhưng tôi vẫn chỉ ôm Tiêu Tiêu, quay người cùng Triệu Ngọc San rời đi.

Không ngoảnh đầu lại.

9

Muốn ly hôn với Giang Dự không dễ.

Đặc biệt là sau khi anh ta phát hiện mẹ tôi đã qua đời.

Tất cả mấy ả “yến oanh” trong điện thoại tôi đều biến mất sạch, không còn tin nhắn phiền phức nào nữa.

Giang Dự một lần nữa xuất hiện trước cửa nhà tôi.

Lần này anh ta không mặc vest, không làm tóc.

Tóc rủ xuống, sắc mặt tái nhợt, cả người lôi thôi, trông rất tiều tụy.

Có vẻ… anh ta cuối cùng cũng hiểu.

Tôi nói ly hôn – là thật.

Có vài chuyện cần phải nói rõ, tôi mới để hai cha con họ vào nhà.

Giang Văn hôm nay bất ngờ im lặng, đứng bên cạnh bố, nắm lấy quần anh ta, đôi mắt vẫn nhìn tôi không chớp.

Ánh mắt ấy đầy mong ngóng dè dặt.

Nhưng tôi không nhìn lại, coi như nó không tồn tại.

Giang Dự ngồi đối diện, gương mặt lộ rõ hối lỗi, giọng khàn khàn:

“Xin lỗi, A Nhan, anh không biết bệnh mẹ em nặng như vậy…

“Sao em không nói sớm với anh? Nếu biết, anh có thể mời cả đội ngũ y tế hàng đầu quốc gia chữa cho mẹ. Bao nhiêu tiền anh cũng chi…”

Tôi rất bình tĩnh, nói thẳng:

“Ung thư giai đoạn cuối rồi, chữa không được nữa. Có nói anh cũng chẳng ích gì.

“Hơn nữa, đó là mẹ tôi, không phải mẹ anh. Anh không quan tâm là chuyện thường thôi.

“Hôm mẹ mất, tôi ở bên bà. Bà không còn gì tiếc nuối, như vậy là tốt rồi.”

Đồng tử Giang Dự co rút, sắc mặt càng trắng bệch.

Anh ta giật giật khóe môi, cố nặn ra nụ cười:

“Chúng ta là vợ chồng, bà cũng là mẹ anh mà…”

Nghe mà buồn cười thật.

Như thể lúc mẹ tôi còn sống, anh ta từng đối xử tốt với bà lắm vậy.

Tôi cười khẩy.

Giang Dự xấu hổ nhắm mắt lại.

Một lúc sau, anh ta chuyển chủ đề:

“Để anh lo chuyện hậu sự cho mẹ… anh sẽ…”

“Không cần.”