Chương 2 - Cô Ấy Luôn Biết Mình Là Người Thừa

3

Về đến nhà, chắc Mặc Mặc cũng đã mệt lả, lăn ra ngủ say.

Còn tôi thì cả người như bị đập vỡ rồi ghép lại, đau đớn từng khớp một.

Mắt nhức nhối, nhưng không tài nào ngủ được.

Không biết bao lâu sau, tôi nghe thấy tiếng ổ khóa xoay, cửa mở.

Ngọn lửa giận trong tôi bùng lên dữ dội — nó đòi tôi phải nhào ra, phải hét lên, phải chất vấn, phải làm cho ra lẽ.

Nhưng đúng lúc đó, tôi nghe thấy giọng mẹ tôi vang lên bên tai:

“Sao vậy con?”

“Bao nhiêu ngày nay con không gọi điện, mẹ đoán là chắc có chuyện rồi. Đang bệnh thế này mà không nói tiếng nào?

Minh Trần đâu rồi?”

Trái tim đã treo lơ lửng suốt bao ngày… cuối cùng cũng rơi xuống, tan vỡ.

Tôi vội vàng lau nước mắt trên mặt, lí nhí đáp: “Ảnh bận.”

Ba tôi tức giận lẩm bẩm:“Bận, bận, bận cái đầu nó chứ bận! Vợ con thế này rồi còn nói bận!”

Rồi ông xắn tay vào dọn dẹp đống bừa bộn trong bếp và nhà vệ sinh, nấu một ít cháo trong nồi, sau đó bế Mặc Mặc đi.

4

Ba mẹ đi rồi, trong nhà bỗng trở nên yên tĩnh đến đáng sợ.

Khi còn phải chăm con, đến cả việc khóc một trận cho ra hồn cũng trở thành điều xa xỉ.

Tôi không nhịn được nữa, vùi mình vào sofa, òa lên khóc nức nở.

Trước đây, tôi và Tiêu Trần Minh từng làm chung công ty.

Tôi không có tham vọng gì lớn, chỉ làm một công việc hành chính nhàn nhạt, có cũng được, không có cũng chẳng sao.

Còn anh thì là người được công ty chi tiền mời về với vị trí quan trọng, vừa điển trai vừa tài giỏi.

Ở công ty, anh như ngôi sao được vây quanh, còn tôi chỉ là một nhân viên mờ nhạt chẳng đáng nhắc đến.

Theo lẽ thường, chúng tôi là hai đường thẳng song song không bao giờ giao nhau.

Nếu không phải anh chủ động theo đuổi, có lẽ cả đời tôi và anh cũng chẳng có chút liên hệ nào.

Tiêu Trần Minh từng nói, trong xã hội đầy toan tính và vật chất này, ở tôi anh thấy được một sự bình thản, không tranh giành, khiến anh cảm thấy an yên.

Những đêm tăng ca đến khuya, anh tháo bỏ bộ dạng mỏi mệt, dùng giọng nói gần như cầu xin:

“Trì Vọng, chúng mình cưới nhau đi. Cho anh một mái nhà, để sau khi chiến đấu ngoài kia mệt mỏi, còn có một nơi để nghỉ ngơi. Sau này anh sẽ lo kiếm tiền nuôi gia đình, em chỉ cần vì anh mà vào bếp, nấu cơm nấu nước là đủ.”

Khi đó tôi còn đùa lại:

“Đợi đến mười năm nữa, anh trở thành tinh anh nơi công sở, còn em là bà vợ đầu bù tóc rối, mùi dầu mỡ đầy người. Tính toán giỏi thật đấy!”

Anh ôm tôi từ phía sau, gác cằm lên hõm cổ, hơi thở phả nhẹ khiến tôi tê dại:

“Không đâu… Mùi dầu mỡ đó anh cũng thích, vì đó là mùi của gia đình.”

Ba mẹ tôi phản đối kịch liệt cuộc hôn nhân này.

Tiêu Trần Minh lớn lên trong một gia đình đơn thân, từ nhỏ sống với mẹ, tốt nghiệp rồi một mình bươn chải.

Mẹ tôi chê anh không có người thân hỗ trợ, sợ sau này tôi sẽ khổ.

Ba thì nhìn xa hơn, ông nói: “Xuất thân như vậy dễ khiến tính cách lệch lạc, gặp chuyện dễ hành xử bốc đồng.”

Lúc đó tôi bị tình yêu làm mờ mắt, thà đoạn tuyệt với gia đình cũng nhất định phải cưới anh.

Ba tức quá, đã tát tôi một cái.

Đó là lần đầu tiên trong đời ba đánh tôi.

Cái tát đó, đến tận bây giờ, giữa chúng tôi vẫn còn một lớp khoảng cách không thể chạm vào.

Năm thứ hai sau cưới, tôi mang thai.

Sự thiếu vắng tình cha khiến Tiêu Trần Minh xúc động đặc biệt, anh dồn toàn bộ tâm huyết vào đứa con chưa chào đời.

Tôi thẳng thắn nói với anh, tôi chưa muốn có con.

Mẹ chồng đã tái giá, không thể giúp đỡ gì, gia đình nhỏ của chúng tôi mới đang bắt đầu, bản thân tôi cũng chưa chuẩn bị sẵn tâm lý đón một sinh linh mới.

Anh hết lần này đến lần khác khẩn cầu, hứa hẹn đủ điều.

Anh nói con sinh ra, mọi việc anh sẽ lo hết, tuyệt đối không để tôi phải lo lắng gì cả.

Tôi dao động.

Không ngờ, lời nói năm đó lại trở thành lời nguyền ứng nghiệm.

Không cần đến mười năm, chỉ mới năm thứ năm — mọi thứ đã sụp đổ tan tành.

Lần trước tôi hỏi tiền sinh hoạt phí, anh dựa vào khung cửa, giọng điệu kẻ cả:

“Trước anh đưa cho em một vạn, tiêu hết rồi à? Sao nhanh thế?”

Khi đó tôi vẫn cố giải thích chi tiết từng khoản chi tiêu.

Giờ mới hiểu: nếu một người phụ nữ cảm thấy nhục khi phải ngửa tay xin tiền từ chồng, thì có nghĩa là anh ta đã không còn yêu cô ấy nữa.

Chỉ cần còn yêu, người đàn ông sẽ không để người phụ nữ phải mở miệng xin.

Càng không thờ ơ với cảm giác tổn thương của cô ấy.

Một cảm giác thất bại tràn ngập khắp cơ thể.

Tôi phải làm sao đây?

Ly hôn à?

Với năng lực hiện tại của anh ta, hoàn toàn có thể thuê một bảo mẫu tốt hơn để chăm Mặc Mặc. Và rồi tôi sẽ phải tận mắt chứng kiến người đến sau thay thế mình?

Còn nếu không ly hôn?

Thì là tiếp tục nhắm mắt nuốt thứ cơm sống này, để anh ta dày vò đến tàn tạ?

Tiến một bước là bụi gai chằng chịt, lùi một bước là vực sâu không đáy.