Chương 19 - Chưởng mệnh nữ

Khác với tiền triều, triều đại này vì chiến loạn mà dân số giảm mạnh, thành thân không bị ràng buộc bởi việc giữ đạo hiếu.

Gả vào nhà họ Lương, ta mới biết, Lương Mục còn có tám tiểu thiếp, bốn thông phòng.

Người nhỏ nhất mới mười ba tuổi.

Cùng tuổi ta khi vào Xuân Trú Lâu.

Tiểu nha đầu đó tên Thảo Nhi, là người chạy nạn từ nơi khác đến, bị bán vào phủ họ Lương.

Nghe nói đầu năm còn bị Lương Mục đá đến sảy thai.

Thế nhưng ánh mắt nàng ta nhìn Lương Mục lại sáng long lanh, rõ ràng là vui mừng và ngưỡng mộ.

Ta hỏi nàng ta: “Ngươi rất thích phu quân sao?”

Nàng ta gật đầu lia lịa.

“Tại sao? Hắn đối xử với ngươi tốt lắm sao?”

Quan thoại của nàng ta không chuẩn, lẫn giọng địa phương nào đó.

“Thiếu gia đối xử tốt với ta. Tuy rằng hắn đánh ta, lần trước đá vào bụng ta đau lắm, nhưng hắn cho ta ăn no.”

“Ở nhà, a cha cũng đánh ta, còn không cho ta ăn cơm, ta đói đến mức nửa đêm phải uống nước lã.”

“Thiếu gia còn biết nhiều thứ lắm, biết viết chữ, còn biết vẽ nữa! Cẩu Đản ở làng ta, biết viết tên mình, đã được gọi là Văn Khúc Tinh rồi.”

Ta nghĩ đến nét chữ nguệch ngoạc của Lương Mục, không khỏi đỡ trán.

“Ta dạy ngươi đọc chữ, ngươi có học không?”

Nàng ta hoảng sợ lắc đầu.

“Sao ta có thể đọc sách biết chữ? Đó… đó không phải là thứ người như ta nên học!”

Ta thất vọng thở dài, phẩy tay cho nàng ta lui xuống.

Năm đó, tuy phụ thân không cấm ta đọc sách biết chữ, nhưng đích tỷ không thích đọc sách, nên ông cũng không mời phu tử dạy dỗ cho các nữ nhi.

Dù sao ta cũng chỉ là thứ nữ.

Ta mặt dày mày dạn nịnh nọt huynh trưởng, mượn sách vở và bút mực của họ.

Bằng mọi cách lẻn vào thư phòng, chép từng cuốn sách một.

Tâm trạng của ta lúc đó, đại khái là tham lam đi.

Không đủ, không đủ, vẫn còn chưa đủ.

Chính là chữ “không đủ” này, mới khiến ta đến ngày hôm nay vẫn được hưởng lợi.

Ta hai tay trắng bị ném xuống sông, không mang theo tiền bạc, không mang theo quyền thế, nhưng ta có thể mang theo kiến thức.

Người đời đều nói tham lam là xấu, thanh tâm quả dục, tri túc thường lạc* là tốt.

(* Giữ tâm trong sáng, ít ham muốn; biết đủ thì luôn vui vẻ.)

Nhưng ta lại cảm thấy, người biết đủ luôn bị giới hạn trong giếng, người tham lam mới có thể vượt ra khỏi rào cản.

Cái gọi là an phận thủ thường, bất quá chỉ là kỳ vọng của người chăn cừu đối với đàn cừu mà thôi.

Cừu mà thật sự tin vào điều đó, mới là chuyện nực cười nhất trên đời.