Chương 4 - Bạch Long Mặc Áo Bông

Sau cuộc trò chuyện, ta mang theo vài túi hạt dưa rồi đến trà lâu. Chỉ với hai ba câu, ta đã tìm ra đáp án từ miệng thôn dân và tiên sinh ở trà lâu. “Cô nương à, cô nghĩ lại mà xem, năm nay lũ lụt ở An Giang vô cùng nghiêm trọng. Đây là củ khoai lang nóng phỏng tay mà ai cũng muốn tránh đó!

Trần tổng đốc bị điều động từ kinh thành tới nơi lũ lụt nghiêm trọng là An Giang này, giải quyết được thì quá tốt, còn nếu không thành công thì sẽ khó mà thoát trách nhiệm.” “Huống hồ tổng đốc còn không hề có chút kinh nghiệm trị thủy nào!” Họ vừa nói ta đã hiểu, ta vội lo lắng nói: “Vậy rốt cuộc ai đã sắp xếp ngài ấy tới đây?” Tiên sinh kể truyện lắc đầu, chậm rãi liếc mắt nhìn ta: “Chà chà, ta hơi khát.” Ta vội vàng dâng trà cho tiên sinh. Tiên sinh từ từ uống vài ngụm rồi nói: “Xem ra tiểu cô nương đây không để ý đến chuyện trên kinh thành nhỉ?” “Đương nhiên là bởi vì tổng đốc đại nhân chọc giận công chúa Minh Ngọc rồi!” “Ba tháng trước, ngài ấy kháng chỉ, từ chối thánh chỉ ban hôn với công chúa Minh Ngọc!” “Công chúa đau lòng, Thánh Thượng liền không vui, ngài ấy hạ lệnh xuống, đương nhiên là tổng đốc đại nhân không có quả ngon mà ăn rồi! Cũng vì thế nên tự dưng tổng đốc đại nhân bị điều tới vùng An Giang nguy hiểm này để trị thủy đó!” Tiên sinh kể truyện lắc đầu nhìn thời tiết bên ngoài. “Đêm nay có thể có mưa to đấy. Hôm nay tổng đốc đại nhân được thần tiên phù hộ, không biết sau này có còn may mắn như thế nữa không…” Những người xung quanh hắn nghe vậy đều thở dài. “Trần Hoài An là một vị quan tốt mà, đáng tiếc, đáng tiếc…” Bỗng có một người chạy vào trà lâu, hô to: “Tin tốt đây, tổng đốc đại nhân tỉnh rồi!” 6. Ta rón ra rón rén đi vào nhà của Trần Hoài An. Không một bóng người. Ta thở phào nhẹ nhõm, chắc do huynh ấy là quan lớn, nhiều việc nên bị người khác gọi đi rồi. Ta trở về phòng của mình, trong phòng tối đen như mực. Ta vừa đóng cửa lại, đang định thắp đèn thì một giọng nói lạnh lùng vang lên ở sau lưng ta. “Chẳng phải muội nói chỉ đi một lát sao? Muội sẽ quay trở về ngay cơ mà?” Trần Hoài An bước ra từ nơi góc tối. Dưới ánh đèn dầu chập chờn, khuôn mặt huynh ấy nửa tối nửa sáng, rũ mi nhìn ta. Ta chột dạ: “Thì, thì đúng là một lát mà… lúc đấy huynh vẫn nghe thấy à!” Trần Hoài An lạnh lùng nói: “Ba canh giờ, ta đợi muội ba canh giờ(*) rồi!” (*)Ba canh giờ: sáu tiếng đồng hồ. Ta gãi gãi đầu, vòng ngọc trên cổ tay sáng long lanh. Trần Hoài An xông tới, giữ tay ta lại, nắm chặt rồi nâng cổ tay lên, ép ta nhìn thẳng vào chiếc vòng trên cổ tay. “Muội có biết trong 5 năm muội biến mất ta sống thế nào không?” “Muội không hiểu dụng ý ta đưa vòng tay cho muội sao? Vậy tại sao lúc trước muội lại nhận?” Giọng huynh ấy tuy lạnh lùng, nhưng nghe kỹ sẽ có chút run rẩy. “Muội không chết, muội lừa ta…. Muội, muội không phải người…. Muội là……” Ta vân vê góc áo, không dám nhìn Trần Hoài An, nói nhỏ: “Muội không phải người, vậy giờ huynh định sai người bắt ta đi hả?” Trần Hoài An bỗng sững người, có vẻ như chợt nhớ ra điều gì đó. Hóa ra đây là lý do mà năm ấy, sau khi vớt ta từ dưới sông lên, huynh ấy hỏi ta từ đâu tới, ta ấp úng không nói được gì. Đó là lần đầu tiên ta lên đất liền, vẫn chưa biết nói tiếng người. Ta bắt chước giọng điệu của Trần Hoài An, tiếng người của ra rất sứt sẹo. Trần Hoài An khi ấy mười bốn tuổi, vẫn còn trẻ con, cau mày hỏi:

“Chắc muội không phải là thủy quái ở đáy sông biến thành người đó chứ?” Ta vô thức lùi lại phía sau, lí nhí nói: “Huynh, huynh muốn bắt ta đi ư?” Nghe vậy, Trần Hoài An tròn mắt rồi cười nghiêng ngả:

“Ta chỉ trêu muội thôi… Thôi, muội không nói được gì cả thì đi theo ta vậy…” Bây giờ, Trần Hoài An mới hiểu hóa ra ta không phải “người” thật. Huynh ấy thấy ta cứ vô thức lùi lại, dơ tay định bắt ta lại, nhưng khi chạm tới bả vai thì bị ta nghiêng người né được.

Vậy là vạt áo trên vai ta bị tuột xuống, lộ ra bờ vai trắng mịn. Trần Hoài An như bị sét đánh, nhanh chóng rời mắt, mặt lộ vẻ ngại ngùng: “Đương nhiên ta sẽ không bắt muội.

Muội quên à? Chúng ta sống với nhau nhiều năm như vậy….” Ta vui sướng tiếp lời: “Đúng vậy, đúng vậy! Chúng ta là người một nhà, muội là muội muội của huynh mà!” Năm đó huynh ấy đã cứu ta. Trần Hoài An sớm mồ côi cha mẹ, huynh ấy lớn lên nhờ ăn cơm trăm nhà. Năm nhặt được ta ở trong sông, huynh ấy đã biết làm ruộng, còn dạy trẻ con viết chữ kiếm được chút tiền. Huynh ấy nói mình không có huynh đệ tỷ muội nên sẽ làm ca ca của ta, cho ta một mái nhà. Một ngày nọ ta và cô nương cùng thôn lên núi hái nấm, nhưng ta bị lạc, mãi đến tối vẫn không tìm thấy đường về. Ta bất lực đành ngồi xổm dưới gốc cây. Đến tận nửa đêm thì ta thấy một bóng người cách chỗ mình không xa đang lảo đảo tiến đến. Trần Hoài An của năm 16 tuổi ôm chặt ta vào lòng, vỗ về ta, an ủi ta đừng sợ.

Thân hình gầy gò của huynh ấy bị lùm cây, nhánh cây quất đầy mình, khắp người toàn vệt đỏ. Ta gọi: “Hoài An ca ca” Trần Hoài An nói chúng ta là người nhà, dù ta ở đâu huynh ấy cũng sẽ tìm được. Thế nhưng giây phút này, Trần Hoài An lại không vui như lúc đó, huynh ấy rũ mi không tiếp lời. Huynh ấy lạnh nhạt nói: “Trời tối rồi, muội ngủ sớm đi, mai ta lại tới gặp muội.” Khi chuẩn bị đẩy cửa rời đi, Trần Hoài An bỗng nhiên dừng lại, quay đầu nghiêm túc nhìn ta: “Muội sẽ ở đây đúng không?” Ta đành phải gật đầu. Thấy ánh mắt nghi ngờ của Trần Hoài An, ta dứt khoát nói thêm một câu: “Muội bảo đảm.” Đêm đến, trời lại mưa to.