Chương 6 - Ai Là Con Của Huệ Năng

Tôi bình thản nói:

Lâm Hàng, cậu có một nhược điểm… là cái tôi quá mạnh.”

“Lo học đi.”

Nói rồi, tôi không liếc anh ta thêm một cái nào nữa, xoay người trở lại chỗ ngồi, tiếp tục vùi đầu vào núi bài tập.

Những ngày tháng bận rộn luôn trôi rất nhanh.

Ngày thi đại học kết thúc, tôi có cảm giác tảng đá đè nặng trong lòng suốt hơn hai mươi năm cuối cùng cũng rơi xuống.

Một buổi chiều bình thường, tôi nhận được cuộc gọi từ văn phòng tuyển sinh của Đại học Thanh Bắc.

Họ thông báo rằng tôi đã trúng tuyển với học bổng toàn phần.

Điều đầu tiên tôi làm là đến thăm cô Lâm chia sẻ niềm vui này với cô.

Cô xúc động hét lên như một đứa trẻ, cười rạng rỡ nói rằng tôi không làm cô thất vọng.

Tôi rơi nước mắt:

“May mà em không làm cô thất vọng.”

“May mà cô đã cho em lý do để sống tiếp.”

Tôi quỳ xuống, nghiêm túc dập đầu ba cái trước mặt cô.

Tôi biết — là cô đã trao cho tôi một cuộc đời mới.

Nếu không có sự kiên định không bỏ cuộc của cô ngày ấy, có lẽ bây giờ tôi đã là một bộ xương trắng vô danh.

Bốn năm đại học, tôi và bố không liên lạc thêm một lần nào.

Tôi cũng thấy nhẹ nhõm, không vướng bận.

Từng bước tôi đi, đều là nhờ nỗ lực của chính mình.

Năm ba đại học, tôi và một vài anh chị khóa trên cùng thành lập nhóm nghiên cứu.

Dựa vào khả năng phân tích thị trường nhạy bén cùng kiến thức chuyên môn vững vàng, phần mềm chúng tôi phát triển đã thu hút được hơn chục triệu đầu tư chỉ trong chưa đầy nửa tháng.

Đó là thành tích rất lớn đối với một nhóm khởi nghiệp non trẻ như chúng tôi.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.

Chúng tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để phân tích thị trường, liên tục phát triển sản phẩm mới, tìm ra những vấn đề mà người dùng đang gặp phải và kịp thời khắc phục.

Số lượng người dùng tăng vọt.

Hai năm.

Chỉ trong hai năm, tài sản của tôi đã vượt qua con số một trăm triệu.

Tối hôm tổ chức tiệc ăn mừng, tôi uống hết một chai rượu Tây, gục đầu xuống bàn mà khóc không thành tiếng.

Mười mấy năm vật lộn ở đáy xã hội, cuối cùng tôi cũng có thể ngẩng cao đầu mà sống như một con người đúng nghĩa.

Giờ đây, tôi muốn ăn gì cũng được, muốn ở đâu cũng được, thậm chí có thể bay đến bất kỳ đất nước nào mình thích.

Không còn phải chui rúc giữa đống rác bẩn thỉu để nhặt phế liệu kiếm ăn nữa.

Tôi đã đạt được tất cả những gì mình từng mơ ước.

Tôi biết mình đang rất hạnh phúc.

Chỉ là… thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy như đang mơ.

Những khổ đau năm xưa, liệu có thật không?

Sau buổi tiệc, tôi gặp lại bố — người đã chờ tôi rất lâu bên ngoài.

Ông giờ đã để tóc dài, râu ria xồm xoàm, đôi mắt trũng sâu, người gầy gò như bộ xương di động, chẳng còn chút khí chất nào.

Ánh mắt ông nhìn tôi chứa đựng một cảm xúc khó gọi tên.

Ông thở dài: “Tiểu Huyên, con bây giờ đã thành công rồi.”

“Con không thấy… tất cả là nhờ vào cách giáo dục bằng khổ đau của bố sao?”

“Bố đã góp phần rất lớn vào chặng đường trước kia của con. Con nên cảm ơn bố vì những gì bố đã hy sinh.”

Chương 10.10

Ông ta ngập ngừng một lúc rồi nói: “Năm ngoái, bố đem toàn bộ tài sản đầu tư vào một dự án thuộc ngành công nghiệp mới. Đáng lẽ ra phải lời to, ai ngờ bị người ta hãm hại, lỗ sạch không còn gì.”

“Bố đành phải bán hết nhà cửa, xe cộ, nhưng vẫn không đủ để bù lỗ.”

“Bố chẳng thể nào bình tâm tụng kinh, ngày nào cũng phải trốn chui trốn lủi. Có lần còn suýt bị bọn đòi nợ đánh chết. Hôm nay con gặp được bố… là vì bố may mắn giữ được mạng thôi. Nhưng sống sót rồi… bố cũng không biết ngày mai phải sống sao nữa.”

Ông rón rén bước tới, định nắm tay tôi. Nhưng theo bản năng, tôi không hề muốn có bất kỳ sự đụng chạm nào với ông ta.

Tôi lùi lại, giọng lạnh tanh: “Chuyện của ông thì liên quan gì đến tôi?”

“Giờ ông nói những lời này có ích gì? Ông đang mong tôi thương hại sao?”

Bố tôi nghẹn giọng, như thể câu nói tiếp theo rất khó để thốt ra: “Bố biết con oán hận bố, nhưng nếu không có những khổ đau mà bố bắt con trải qua con làm sao có thể thành công như bây giờ?”

“Bố biết con không muốn nghe mấy lời này, nhưng đó là sự thật.”

“Tiểu Huyên, hai năm nay bố đã nghĩ thông suốt nhiều điều. Người mà bố không thể buông bỏ nhất vẫn là con. Bố sẵn sàng quay về bên con, cùng con sống tiếp quãng đời còn lại… chỉ cần con giúp bố trả hết nợ.”

“Chúng ta là cha con mà, phải dựa vào nhau sống tiếp.”

“Tiểu Huyên…”

Tôi chỉ lạnh lùng nhìn ông ta, “‘Giáo dục bằng đau khổ’ sao?”

“Ông thử đặt tay lên tim mình mà nói xem, ông từng giáo dục tôi khi nào?”

“Ông chỉ biết hành hạ tôi để thỏa mãn thú vui của mình. Nỗi đau mà ông gây ra cho tôi, cả đời này tôi sẽ không quên.”

“Khi không cần tôi, ông ném tôi như vứt rác. Giờ gặp khó khăn lại muốn moi thứ gì đó từ tôi?”

“Ông nghĩ ông có tư cách sao?”

“Tôi không cần thứ tình cha giả tạo và nực cười của ông nữa.”

Bị tôi mắng thẳng mặt, bố tôi đỏ bừng cả mặt, trong mắt ánh lên tia giận dữ:

“Bố đã giải thích rồi mà! Là do con khiến mẹ con chết khi sinh! Nên con phải chuộc lỗi!”

“Bố và mẹ con từng yêu nhau rất sâu đậm! Nếu không vì con, bọn bố vẫn có thể sống yên ổn bên nhau!”

“Con nghĩ bố không nên trách con à?”

“Bố nợ thì con phải trả!”

Tôi đảo mắt, chẳng buồn che giấu sự khinh bỉ: “Giờ này ông còn định lừa ai nữa?”

“Chuyện năm xưa, tôi đã điều tra hết rồi.”

“Trong thời gian mẹ mang thai, ông ngoại tình. Mẹ bắt quả tang ông đang trên giường với người khác. Vì quá xúc động, mẹ vỡ ối sớm.”

“Thế mà ông chẳng hề quan tâm đến mẹ, lại đưa cô nhân tình – người chỉ bị trầy nhẹ – vào viện trước.”

“Khi bảo mẫu phát hiện mẹ, bà đã hôn mê rồi.”

Tôi nhìn chằm chằm vào ông ta, như thể muốn xé nát cái lớp mặt nạ giả dối ấy: “Mẹ tôi chết là do ông. Nhưng thay vì đối diện với tội lỗi, ông lại đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu tôi.”

“Ông không chỉ giết mẹ tôi… mà còn suýt giết luôn cả tôi.”

Sự thật bị lật trần.

Bố tôi sụp đổ hoàn toàn.

Ông như bị rút cạn toàn bộ sức lực, ngồi bệt xuống đất, run rẩy bật khóc.

Ông không ngừng lắc đầu: “Không phải tôi… không phải tôi…”

Mẹ tôi đã mất hai mươi lăm năm rồi.

Thế mà đến giờ, người đàn ông hèn hạ này vẫn không dám đối mặt với cái chết của bà.

Thật thảm hại.

Có thể vì bị dồn đến đường cùng, hoặc cuối cùng cũng chịu thừa nhận lỗi lầm, ông ta đột nhiên quỳ xuống, ôm lấy vạt áo tôi:“Tiểu Huyên… bố biết mình sai rồi… con tha thứ cho bố được không?”

“Bố hứa, từ giờ sẽ yêu thương con hết lòng…”

Tôi rút ra vài tờ tiền trăm từ túi, đập thẳng vào mặt ông ta — y như cách ông từng làm với tôi năm xưa.

“Theo tiêu chuẩn chu cấp tối thiểu, mỗi tháng hai trăm. Tôi sẽ chuyển khoản đúng hẹn.”

“Kể cả ông có quỳ ở đây ba ngày ba đêm, tôi cũng không thương hại ông đâu.”

“Dù sao chính ông đã nói mà — con người phải chịu khổ, chịu đựng mới được gọi là sống.”

“Tôi làm vậy… cũng chỉ là ‘vì tốt cho ông’ thôi.”

Mỗi tháng hai trăm, không hơn không kém.

Vừa đủ để cắt đứt cái gọi là ‘tình thân’.

Còn chuyện trả nợ ư? Ông ta mơ đi là vừa.

Từ giờ trở đi, tôi sẽ sống dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Còn ông ta — mãi mãi chỉ có thể làm con chuột cống chui rúc trong bóng tối, sống những ngày tháng nhục nhã, trốn chui trốn lủi.

Và đó… là cái giá mà ông đáng phải nhận.

Phải không?