Chương 1 - Ai Là Con Của Huệ Năng
Bố tôi mang theo khối tài sản hàng trăm triệu, rồi cạo đầu xuất gia.
Tôi cầm đống rác vừa nhặt được trong tay, mắt ngấn lệ, níu lấy cà sa của ông mà van xin:
“Bố ơi, đừng bỏ con lại mà… Con ăn ít lắm, thật sự không tốn kém gì đâu…”
Nhưng ông lại nhìn tôi với vẻ lạnh lùng:
“Đừng gọi ta như thế, gọi ta là Huệ Năng. Ta đã thoát khỏi cuộc sống bụi trần, không thể quay đầu lại nữa. Đừng cản trở con đường tu hành của ta.”
Ông chẳng màng đến quần áo rách nát trên người tôi, cũng không đoái hoài đến ánh mắt chê cười và lời lẽ cay nghiệt của bạn học xung quanh.
Chỉ chăm chú nhắm mắt tụng kinh.
Chỉ vài phút sau, ông đã không còn kiên nhẫn, lên xe sang rồi rời đi không chút do dự.
Tôi không hiểu nổi vì sao ông lại sinh tôi ra mà chẳng muốn nuôi dưỡng.
Mãi cho đến nhiều năm sau, tôi nhận được cuộc gọi từ ông:
“Con gái ngoan, cho bố ít tiền nhé? Dù sao bố cũng là bố ruột của con, chẳng lẽ con mặc kệ bố thật à? Sao con có thể tàn nhẫn như vậy?”
Tôi chỉ khẽ cười:
“Xin hỏi, ai đấy ạ?”
1.
Bố tôi luôn tin vào lòng từ bi.
Ông ăn chay niệm Phật, hay giúp đỡ người khốn khổ.
Chỉ cần đi ngang qua một ngôi chùa, ông có thể vung tay quyên góp cả triệu bạc.
Chỉ riêng với tôi, ông lại áp dụng cái gọi là “giáo dục khổ hạnh”.
Tôi đứng trong căn biệt thự trị giá hàng trăm triệu, nhìn ông cạo bỏ mái tóc, lạnh nhạt nói:
“Từ hôm nay, ta sẽ xuất gia đi tu.”
“Còn con, phải sống khổ cực như một khổ hạnh tăng thì mới biết trân trọng mạng sống mà ta đã ban cho. Ta sẽ cho người đưa con đến khu ổ chuột ở ngoại ô phía Tây. Từ nay, đó là nơi con sống.”
Lúc ấy tôi mới chỉ tám tuổi.
Không hiểu nổi ông đang nói gì.
Nhưng tôi biết, ông không cần tôi nữa.
Tôi không biết mình đã làm sai điều gì, nước mắt lưng tròng níu lấy áo ông mà cầu xin:
“Bố ơi, đừng bỏ con mà được không? Con ăn rất ít, thật sự không tốn tiền của bố đâu…”
Ông liếc tôi một cái, lạnh lùng đáp:
“Từ nay về sau, con phải tự mình sống. Ta không muốn thấy con bị mê hoặc trong tiền tài. Sống được hay không, là do số phận của con.”
Nói xong, ông giật mạnh cà sa khỏi tay tôi, khiến tôi ngã nhào xuống đất.
Bên tai chỉ còn lại giọng ông lạnh như băng:“Và đừng gọi ta là bố nữa. Gọi ta là Huệ Năng đại sư.”
Từ ngày hôm đó, cuộc đời tôi hoàn toàn đảo lộn.
Căn biệt thự bị khóa lại khi ông dọn vào chùa sống.
Tôi, một đứa bé tám tuổi, bị ép chuyển đến sống trong khu nhà ổ chuột ẩm mốc dột nát.
Dù ông có khối tài sản hàng trăm triệu, mỗi tháng ông chỉ cho tôi đúng năm mươi đồng để sống.
Đói bụng là chuyện thường ngày.
Huống chi khu đó rất phức tạp, hay có đám côn đồ đến đòi tiền bảo kê.
Nhưng khi thấy tôi – một đứa bé còn chưa cao bằng cái bếp – đang chật vật cắt rau, nấu cơm với đầy những vết sẹo vì dao và bỏng, đám người ấy cũng thấy thương.
Họ chẳng những không lấy tiền, mà còn dúi cho tôi ít tiền lẻ để mua đồ ăn.
Tôi từng thử gọi điện cho bố, nhưng không bị tắt máy thì cũng chỉ nghe thấy tiếng tụng kinh không ngừng.
Mùa đông năm ấy, tuyết rơi trắng trời.
Căn nhà ọp ẹp trong khu ổ chuột không chịu nổi sức nặng của tuyết, mái nhà đổ sập, tôi bị vùi chặt bên dưới.
Nếu không có bà cụ sống bên cạnh nghe tiếng động đến cứu, chắc tôi đã chết trong trận tuyết ấy rồi.
Bà đưa tôi về nhà, tôi nằm trên giường, không kìm được mà bật khóc.
Tôi mất mẹ từ nhỏ, bố lại chưa từng thân thiết với tôi.
Nhưng dẫu sao ông cũng là bố ruột. Những lúc bị tổn thương, tôi vẫn hy vọng ông sẽ ở bên cạnh mình.
Tôi nghĩ, nếu bố không bắt máy, tôi có thể đi tìm ông.
Hôm sau, tôi uống một cốc trà gừng thật to, rồi đi bộ tám tiếng đến ngôi chùa nơi bố tu hành.
Người ta dẫn tôi đến một căn biệt thự phía sau chùa.
Căn nhà tràn ngập mùi trầm hương, trên bàn thờ là pho tượng Phật bằng vàng rực rỡ.
Vừa thấy ông, tôi lao vào lòng ông.
Tôi cứ tưởng ông sẽ ôm tôi.
Nhưng không, ông đẩy tôi ra, lạnh lùng nói:
“Cố Huyên, con cần gì phải giả vờ đáng thương trước mặt ta? Ta chỉ muốn con trải nghiệm cuộc sống của một khổ hạnh tăng. Ít ra con vẫn có chỗ ở. Con còn muốn gì nữa?”
“Ta chọn quy y là để chuộc lỗi thay cho sự tham lam của con.”
“Con khiến ta rất thất vọng.”
2
Tham lam Thất vọng?
Tôi không hiểu vì sao bố lại nói tôi như vậy.
Tôi chỉ là… suýt chết trong trận tuyết lớn, chỉ muốn được gặp ông thêm một lần thôi mà…
Tôi siết chặt bắp đùi mình để cố gắng không bật khóc.
Tôi rón rén bước tới, cố gắng níu kéo:
“Bố ơi, con biết sai rồi… Cho dù con đã làm sai điều gì, con cũng sẽ sửa. Bố đừng bỏ rơi con nữa được không? Bố không biết đâu, hôm qua con suýt chết đó…”
Nhưng ông vẫn lạnh lùng đáp:
“Đã nói là đừng gọi ta là bố. Gọi pháp danh của ta là Huệ Năng. Cuộc sống bụi trần không thể khiến ta quay đầu lại nữa, đừng cản trở việc tu hành của ta.”
“Lỗi của con, là không nên trở thành con gái của ta.”
Tôi cảm thấy trái tim mình lạnh giá hơn cả trận tuyết mùa đông bên ngoài.
Chưa kịp mở miệng nói thêm, ông đã ra lệnh cho vệ sĩ bên cạnh:
“Tiễn cô bé ra ngoài.”
Tên vệ sĩ xách cổ áo tôi lên, rồi thô bạo ném tôi ra ngoài.
Tôi ngã sấp xuống nền tuyết, toàn thân đau nhức từng khớp.
Chưa kịp đứng dậy, tôi nghe thấy giọng ông vang lên:
“Thời tiết lạnh thế này, thế nào cũng có người bị cóng. Đi, quyên thêm chút tiền cho trụ trì. Đức Phật từ bi.”
Sau đó là một câu khác, nhẹ tênh mà như xát muối vào lòng:
“Tối nay ăn thêm món thịt nai. Trời tuyết mà nướng thịt nai, đúng là tao nhã.”
Nước mắt tôi rơi lúc nào chẳng hay.
Tôi suýt mất mạng ở khu ổ chuột, vậy mà ông còn không thèm cho tôi một bữa ăn.
Tôi cố bò dậy từ tuyết, nhưng cứ đứng lên lại ngã xuống.
Đến khi tôi lết được về khu ổ chuột, cả người đã đầy vết bầm, lạnh đến run lẩy bẩy.
Sau một trận ốm nặng, tôi buộc phải chấp nhận thực tế.
Tôi bắt đầu nhặt nhiều rác hơn, ăn ít hơn.
Dưới sự giúp đỡ của bà lão hàng xóm, tôi dựng được một căn nhà mới.
Cố gắng sống sót.